Mỹ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên?

ANTĐ - Cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012 chính thức bắt đầu được khởi động sau khi Ủy ban bầu cử toàn quốc cho phép đăng ký tranh cử. Trong số những chính trị gia đã đăng ký và tuyên bố ra tranh cử dư luận đặc biệt quan tâm tới cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin cho dù phải tới tháng 9 bà mới chính thức công bố quyết định về vấn đề này. 

Cuối năm 2010, bà Sarah Palin từng tiết lộ ý định tham gia tranh cử vào năm 2012 và tự tin có thể đánh bại Tổng thống Barack Obama trong cuộc đua này. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng càng trở nên gay cấn sau khi Hãng Standard & Poor’s hạ mức xếp hạng tín dụng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới: từ AAA xuống AA+. Hơn nữa, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Barack Obama đã xuống mức thấp nhất kể từ khi ông vào làm chủ Nhà Trắng đầu năm 2009 - giảm xuống còn 26%. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận do Tổ chức Gallup vừa thực hiện và công bố hôm 17-8 (theo giờ địa phương). Chính vì thế nên nhiều người cho rằng, Mỹ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên bởi cử tri muốn có sự thay đổi. 

Sự nổi bật của bà Sarah Palin cùng với các ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa tại một hội chợ ở bang Iowa hôm 12-8, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu thử tại khu vực này càng minh chứng cho nhận định kể trên. Hầu như tất cả phóng viên cùng fan hâm mộ và những người hiếu kỳ đều vây kín lấy cựu Thống đốc bang Alaska khi bà Sarah Palin có mặt tại một gian hàng gia súc. Giới truyền thông đưa tin, sự nghiệp chính trị của bà Sarah Palin rộng mở sau khi được bầu làm Thống đốc bang Alaska năm 2006 bởi cựu Á hậu là người trẻ nhất và cũng là phụ nữ duy nhất trong lịch sử được bầu làm Thống đốc bang này cho tới nay. Tuy là gương mặt trẻ và mới nổi trên chính trường nhưng bà Sarah Palin nhanh chóng gây ấn tượng mạnh đối với dư luận và cử tri sau khi được chọn làm ứng cử viên Phó Tổng thống trong liên danh tranh cử với Thượng nghị sỹ John McCain hồi tháng 8-2008. 

Tuy nhiên, để được chọn liên danh với ông John McCain, bà Sarah Palin đã phải chuẩn bị rất kỹ. Bí mật này bị phơi bày sau khi bang Alaska công bố 24.000 bức thư điện tử trong thời gian bà Sarah Palin làm Thống đốc. Ngay sau khi biết bang Alaska cho công bố 24.000 bức thư điện tử của bà Sarah Palin (11-6), nhiều tờ báo đã vận dụng mọi khả năng để có thông tin sớm nhất tới độc giả. Người ta đã đọc thông tin này trên website của tờ Los Angeles Times chỉ 30 phút sau khi các tài liệu được công bố. Tờ The New York Times bỏ ra 14 tiếng để đăng tải toàn bộ thư điện tử của bà Sarah Palin. Tờ Tribute cử 2 phóng viên mang theo những máy quét cầm tay để sở hữu hàng nghìn email này… Một số hãng tin khác đã sắp xếp các bức thư này theo thứ tự ngày tháng để độc giả dễ tìm kiếm. Bà Sarah Palin từng chống lại việc này nhưng bất thành. Ngoài ra, cựu Thống đốc bang Alaska còn bị Frank Bailey, trợ lý cũ của mình chỉ trích là kẻ hám danh, thích scandal và luôn tìm cách đánh bóng tên tuổi. Trong cuốn hồi ký dày 456 trang, Frank Bailey đã trích dẫn 60.000 bức email cá nhân của bà Sarah Palin, trong thời kỳ làm Thị trưởng thành phố Wasilla và chuẩn bị tranh ghế Thống đốc bang Alaska để chứng minh lời chỉ trích kể trên.

Từng là ứng cử viên liên danh với Thượng nghị sĩ John McCain nên bà Sarah Palin hiểu rõ sự cần thiết phải vận động tranh cử sớm. Ngày 5-6, cựu Thống đốc bang Alaska tham gia cuộc tuần hành mô tô hàng năm trên các đường phố ở Thủ đô Washington để tưởng nhớ lính Mỹ tử trận trong chiến tranh. Để chuẩn bị tranh cử vào Nhà Trắng, bà Sarah Palin thuê làm một bộ phim tài liệu truyền hình gồm 8 tập về cuộc đời mình. Bộ phim có tựa đề “Sarah Palin’s Alaska” của Sarah Palin được phát trên kênh truyền hình TLC StarHub. Một số nhà phê bình cho rằng bộ phim này mang tính chính trị hơn là nghệ thuật. Mặc dù vừa ra mắt đêm 14-11-2010, nhưng chương trình “Sarah Palin’s Alaska” đã thu hút được một lượng khán giả truyền hình khổng lồ: 4,96 triệu người xem. Đây là một kỷ lục bất ngờ và lập tức “Sarah Palin’s Alaska” trở thành chương trình ra mắt ấn tượng nhất trong lịch sử phát sóng của TLC StarHub.

Có một trở ngại tuy nhỏ, nhưng cũng được dư luận nhắc tới, đó là ngày 23-7, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại bang Iowa đã công bố danh sách 9 người để bỏ phiếu thăm dò tại thành phố Ames, nhưng 2 ứng cử viên được coi là nặng ký là Rick Perry và Sarah Palin lại không có tên trong danh sách này. Dù chỉ là một cuộc bỏ phiếu không chính thức, nhưng việc này cũng khiến bà Sarah Palin bị mất điểm ngay từ chặng đua đầu tiên. Được biết, hiện Đảng Cộng hòa đã có 15 ứng cử viên đăng ký hoặc chính thức tuyên bố ra tranh cử.