Mỹ “săn” công nghệ mới để thống trị chiến trường tương lai

ANTĐ - Người phát ngôn Lầu Năm Góc tiết lộ, tân thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Robert Work đang đề xuất với ngành công nghiệp quốc phòng nước này chính sách “Bổ sung công nghệ”, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những công nghệ mang lại lợi thế cho quân đội Mỹ trong chiến trường tương lai.

Trong một cuộc hội nghị diễn ra vào ngày 22 tháng 5 vừa qua, ông Robert Work đã đề cập đến hai công nghệ vĩ đại khiến Mỹ luôn giữ vị trí siêu cường thế giới từ thế chiến thứ hai cho đến nay là: Vũ khí hạt nhân và "mạng lưới hóa" vũ khí dẫn đường chính xác cao. Hiện nay, Mỹ đang tìm kiếm một thế hệ công nghệ tiên tiến tiếp theo cho chiến tranh tương lai.

Thứ trưởng phụ trách về hậu cần, công nghệ và các chương trình mua sắm của Bộ quốc phòng Mỹ Frank Kendall cũng khẳng định, chính sách mang tính khuyến khích “Bổ sung công nghệ” là phương châm chỉ đạo của việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong tương lai của Mỹ.

Là một phần trọng yếu trong chính sách “Bổ sung công nghệ”, Bộ quốc phòng Mỹ đang xem xét đưa ra nhiều biện pháp mới trong chương trình mua sắm của họ. Tới đây, Lầu Năm Góc sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D).

Cùng với việc cắt giảm chi phí quốc phòng mấy năm trở lại đây, nhiều công ty của Mỹ đều hạn chế công tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Bên cạnh đó, mức độ chi phí quốc phòng của Mỹ thiếu tính bền vững, đã ảnh hưởng đến công tác R&D, nhiều công ty yêu cầu Bộ quốc phòng Mỹ cần phải làm rõ hơn chính sách “Bổ sung công nghệ” trong tương lai, để tránh cho họ những đầu tư vô ích.

Ngày 9-6, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành công ty Lockheed Martin - bà Marillyn Hewson cho biết, công ty năm nay có kế hoạch chi cho công tác nghiên cứu và phát triển nhiều hơn 30 triệu USD, so với mức chi năm ngoái là 700 triệu USD. Mặc dù kim ngạch đang tăng lên, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với con số 822 triệu USD đầu tư cho R&D năm 1999. 

Báo cáo của Ủy ban an ninh Mỹ (CNAS) mới đây đã chỉ ra rằng, hiện nay, sự điều chỉnh trong chiến lược ứng phó với các vấn đề công nghệ và an ninh ngày một phát triển trên toàn cầu, của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ là rất chậm chạp. Ngành này cần phải ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ dân sự vào trong vũ khí quân sự tương lai.

Xét dưới góc độ lịch sử, ngành công nghiệp quốc phòng đầu tiên thường nghiên cứu ra công nghệ để sử dụng trong lĩnh vực quân sự, ví dụ như như GPS và Internet, sau đó nó sẽ được dân sự hóa. Tuy nhiên, hiện nay, trong rất nhiều lĩnh vực lại cần phải quân sự hóa công nghệ dân sự.

Trước mắt, Bộ quốc phòng Mỹ đang sử dụng khá nhiều những công nghệ dân sự như kỹ thuật in 3-D và các hệ thống IT. Trong 5 năm qua, tỷ lệ công nghệ thuộc mảng kỹ thuật dân dụng trong các dự án mua sắm quốc phòng Mỹ đã tăng từ 10% lên 30%.

Báo cáo của CNAS còn xác định công nghệ mạng, công nghệ điều khiển tự động, công nghệ sinh học và công nghệ nano sẽ trở thành những công nghệ then chốt hình hình thành trong khả năng quân sự, giúp quân đội Mỹ thống trị chiến trường tương lai.