Mỹ - Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng

ANTĐ - Các quan chức Nhà Trắng ngày 27-4 cho biết, Philippines và Mỹ đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, giữa lúc căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng.

Các binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung ở phía tây bờ biển Philippines

Thỏa thuận trên sẽ chính thức được ký kết vào hôm nay 28-4 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Philippines ở Thủ đô Manila, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm 2 ngày tới Philippines, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm này cho phép quân đội Mỹ quyền tạm thời được ra vào các căn cứ quân sự có chọn lọc của Philippines cũng như bố trí các chiến đấu cơ và tàu chiến.

Tài liệu mật của Chính phủ Philippines về thỏa thuận quốc phòng mà Hãng tin AP tiếp cận được không nói rõ sẽ có thêm bao nhiêu binh sĩ Mỹ được triển khai tới Philippines, nhưng cho biết, số lượng các binh sĩ Mỹ sẽ phụ thuộc vào quy mô của các hoạt động quân sự chung được tổ chức tại các căn cứ Philippines. Cũng theo các quan chức Mỹ, thỏa thuận trên sẽ cho phép các lực lượng Mỹ huấn luyện và thực hiện các cuộc diễn tập với quân đội Philippines về vấn đề an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa và nhân đạo.

Trước đó, hồi đầu tháng này, sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 8, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, Mỹ và Philippines đã đạt được đồng thuận về các vấn đề chủ chốt của thỏa thuận. Trong đó thỏa thuận quy định Mỹ không được thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực hoặc xây dựng căn cứ lâu dài tại Philippines, cũng như không được đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Philippines. Được biết, Mỹ từng duy trì các căn cứ quân sự lớn tại các khu vực Clark và Vịnh Subic ở phía bắc Philippines trong hàng chục năm cho đến khi bị đóng cửa vào năm 1991. 

Cùng ngày, trong chuyến thăm tới Malaysia, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã quyết định nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành quan hệ đối tác toàn diện, đồng thời cam kết giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về căng thẳng ở Biển Đông, và nhất trí về tầm quan trọng của việc tuân theo luật pháp quốc tế.