Mỹ mượn không quân Ấn Độ "đá xoáy" máy bay Nga

ANTĐ - Ngày 26/02, tạp chí “Tin tức quốc phòng” Mỹ (Defence News) có bài viết nhan đề “Rumble Over Russian Aircraft Reliability” (Tạm  dịch: “Choáng” về tính tin cậy của máy bay chiến đấu Nga). 

Trong bài viết đã liệt kê và phân tích một số vụ tai nạn máy bay điển hình của các loại máy bay Nga trong biên chế không quân Ấn Độ và đưa ra kết luận: Các loại máy bay hiện đại của Nga còn tồn tại khiếm khuyết rất lớn về kiểm soát bay, thiết bị điện tử và độ tin cậy.

Ngày 20/02 vừa qua, không quân Ấn Độ lại tiếp tục mất thêm 1 chiếc Su-30 MKI, đây là sự cố thứ 4 đối với loại máy bay này kể từ năm 2009 đến nay. Trong năm 2009, 2 chiếc Su-30MKI bị rơi được xác định nguyên nhân là do sự cố máy móc, động cơ và một vài linh, phụ kiện khác.

Mỹ mượn không quân Ấn Độ "đá xoáy" máy bay Nga ảnh 1
Su-30MKI đã mất 4 chiếc kể từ năm 2009

Các vụ tai nạn cứ liên tiếp xảy ra với đủ loại máy bay đã gây chấn động đến Chính phủ, Quốc hội và toàn thể nhân dân, các phi công Ấn Độ cũng rất hoang mang. Sự tình nghiêm trọng đến nỗi, năm 2011, tư lệnh không quân Ấn Độ đã phải đích thân cầm lái một chiếc Su-30MKI bay trong vòng 1h để trấn an tinh thần phi công.

Các phi công Ấn Độ hình thành một tâm lý e sợ các loại máy bay Nga, đặc biệt là các loại thuộc thế hệ Mig. Nhưng ngay cả các máy bay mới nhất thuộc thế hệ Su-30 cũng bị nghi ngờ về độ an toàn, thể hiện rõ qua số lượt tai nạn của loại máy bay này. Chính điều đó đã làm người đứng đầu lực lượng không quân phải bay biểu diễn để trấn an tư tưởng phi công.

Mig-21 của không quân Ấn Độ đứng đầu thế giới về tỷ lệ tai nạn

Hiện các máy bay Mig của không quân Ấn Độ vẫn đang tiếp tục rơi, mới đây nhất là vụ tai nạn của một chiếc Mig-27 ngày 12/02 vừa qua. Do số lượng Mig-21 rơi nhiều quá, không quân Ấn Độ đang thúc giục các đối tác đẩy nhanh tiến độ bàn giao các hợp đồng mua máy bay mới để loại bỏ tất cả các máy bay loại này.

50 năm qua, Ấn Độ đã mua từ Nga 976 chiếc Mig-21, nhưng một nửa trong số đó chẳng đánh nhau với ai mà tự hủy trong các vụ tai nạn, điều này là một ngoại lệ hy hữu ở châu Á – khu vực mua sắm nhiều Mig nhất, đã gây phương hại đến danh tiếng của dòng máy bay này.

Một bộ phận Mig-27 của Ấn Độ đã ngừng sử dụng

Từ khi Mig ra đời vào năm 1940 đến Mig-15 sau chiến tranh Tiều Tiên và các kiểu Mig-17/19/21/23/27/29 ra đời trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các máy bay Mig luôn là máy bay chiến đấu chủ lực trong lực lượng không quân của các nước Xã hội Chủ nghĩa cũ nói chung, đặc biệt là Ấn Độ.

Thế nhưng, kể từ năm 1991 đến nay, những khiếm khuyết về độ tin cậy, tính năng kiểm soát bay và các thao tác điều khiển khó của các máy bay Mig bắt đầu bộc lộ, liên tục xuất hiện các thông tin về sự cổ hỏng hóc và rơi vỡ của các loại máy bay Mig. Hiện nay, trong dòng máy bay này, một bộ phận máy bay Mig-27 của không quân Ấn Độ đang ở trạng thái đình chỉ bay vì đã đến thời kỳ “quá đát”.

Phi đội Mig-29 của không quân Ấn Độ

Năm ngoái, Ấn Độ đã bắt đầu lên tiếng phàn nàn về Su-30MKI, chỉ ra một số khiếm khuyết về công nghệ chế tạo trong hệ thống điều khiển điện tử và kiểm soát bay, do phía Nga không đưa ra phản ứng gì trong vụ việc trên nên Ấn Độ đã công khai những vẫn đề trên trước công chúng.

Ấn Độ cũng đã đề nghị Nga cải tiến thiết kế của động cơ AL-31F, loại động cơ này bất kể ở các máy bay Su-30 của Nga hay Su-30 MKI của Ấn đều nhiều lần phát sinh sự cố giống nhau, 4 vụ tai nạn Su-30 MKI trong 3 năm qua đã chứng tỏ vấn đề này chưa hề có gì cải thiện.