Mỹ mua tiêm kích MiG-29 Liên Xô: Thương vụ ‘nhất tiễn hạ song điêu’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mua MiG-29 Liên Xô là một thương vụ bí mật được Washington tiến hành, nhằm tìm hiểu tính năng của loại máy bay chiến đấu hiện đại của Nga qua đó giúp phi công Mỹ tìm cách đối phó. Ngoài ra cũng để ngăn chặn không quân Iran lớn mạnh.

Iran là khách hàng truyền thống của Liên Xô

Không quân Iran trở thành khách hàng lớn nhất mua các máy bay chiến đấu của Liên Xô từ đầu những năm 1990, với việc nhanh chóng mua sắm khoảng 25 máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ thứ tư MiG-29 và một phi đội gồm 12 máy bay chiến đấu cường kích Su-24M.

Các thương vụ mua hệ thống tác chiến trên không nổi bật khác của Iran bao gồm 10 tổ hợp tên lửa đất đối không S-200 Angara, được đặt hàng cũng vào năm 1989 cùng với MiG-29. Những loại vũ khí này đã cách mạng hóa khả năng phòng không trên mặt đất của Iran.

Iran dự kiến ​​sẽ dựa vào MiG-29 để tạo thành xương sống của lực lượng không quân của mình, với các biến thể mới của nó mà Liên Xô ​​sẽ cho phép xuất khẩu từ giữa những năm 1990, với tính năng được cải thiện mạnh mẽ bao gồm: Động cơ mạnh hơn và thùng nhiên liệu lớn hơn; sở hữu radar mảng pha điện tử, tên lửa không đối không R-77 dẫn đường bằng radar chủ động và tên lửa không đối đất ngoài vùng phòng không.

Ngoài MiG-29, Iran cũng thể hiện sự quan tâm đến việc mua số lượng ít hơn các máy bay chiến đấu cao cấp hơn của Liên Xô, đáng chú ý nhất là máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31 Foxhound và cũng có thể là Su-27 Flanker, loại máy bay xuất khẩu lần đầu tiên vào năm 1991.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Iran tiếp tục là khách hàng lớn của các hệ thống vũ khí của Nga, bao gồm cả việc thực hiện thỏa thuận từ năm 1993 để sản xuất xe tăng T-72 theo giấy phép trong nước.

Máy bay MiG-29 Liên Xô trong biên chế không quân Iran
Máy bay MiG-29 Liên Xô trong biên chế không quân Iran

Tuy nhiên, từ năm 1995, Nga đã ngừng ký hợp đồng mới do “Thỏa thuận Gore-Chernomyrdin” được thực hiện dưới áp lực của Mỹ. Và sau lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, hai nước đã trải qua một giai đoạn dài gián đoạn sự hợp tác quân sự và mua sắm vũ khí quốc phòng.

Những khó khăn thời kỳ đầu hậu Xô viết

Vào ngày 30/6/1995, Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã ký một thỏa thuận bí mật với Thủ tướng Nga Viktor S. Chernomyrdin, về việc chấm dứt mọi hoạt động bán vũ khí thông thường của Nga cho Iran vào cuối năm 1999.

Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ Ủy ban Hỗn hợp Mỹ-Nga về Hợp tác Kinh tế và Công nghệ, lúc đó do Phó Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nga đồng Chủ tịch nên còn được gọi là “Ủy ban Gore-Chernomyrdin”.

Không giống như thời Liên bang Xô viết, ban lãnh đạo của Nga thời kỳ đầu hậu Xô Viết liên kết chặt chẽ hơn với các lợi ích của phương Tây và rất dễ bị gây áp lực phải hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các đối thủ phương Tây tiếp cận với các loại vũ khí hiện đại.

Các lựa chọn chính sách của Nga tỏ ra bất lợi cho chính mình. Nga mặc dù có dự trữ lớn các máy bay MiG-29 chưa lắp ráp khi Liên Xô sụp đổ và phải vật lộn để duy trì lĩnh vực công nghiệp hàng không quân sự do thiếu đơn đặt hàng, nhưng vẫn xa lánh khách hàng lớn thứ ba của mình.

Máy bay MiG-29 Moldova thừa kế từ Liên Xô được đưa lên máy bay vận tải về Mỹ
Máy bay MiG-29 Moldova thừa kế từ Liên Xô được đưa lên máy bay vận tải về Mỹ

Do đó, Iran đã buộc phải tìm nguồn cung máy bay chiến đấu MiG-29 từ nước khác và tìm đến Moldova để mua một phi đội 25 máy bay mà nước này đã thừa kế từ Liên Xô, nhưng không có điều kiện để tiếp tục duy trì hoạt động.

Do đó, Iran đã đưa ra đề nghị mua MiG-29 Moldova, loại máy bay tương tự như Liên Xô đã cung cấp cho họ. Tuy nhiên, Mỹ đã can thiệp để ngăn chặn việc mua bán này, bằng cách gây áp lực lên Moldova (khi đó đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của NATO) và mua lại các máy bay chiến đấu đó.

Kết quả của sự can thiệp là Washington đã ngăn chặn được địch thủ (Iran) sở hữu một phi đội máy bay chiến đấu hiện đại, đồng thời quân đội Mỹ cũng có được một phi đội MiG-29 để đào tạo phi công và mô phỏng khả năng không chiến của kẻ thù lớn nhất (chính là Nga).

Iran sẽ quay sang mua J-10C Trung Quốc để hiện đại hóa không quân?

Trong khi bản thân Nga đang loại bỏ MiG-29 ra khỏi biên chế để ủng hộ sản xuất số lượng lớn hơn chiến đấu cơ hạng nặng Sukhoi Su-27, thì loại máy bay chiến đấu này lại còn rất nhiều ở Iran, Iraq, Syria và Triều Tiên (Triều Tiên sản xuất MiG-29 theo giấy phép của Liên Xô).

Đối với các máy bay MiG-29 do Liên Xô chế tạo đã được biên chế cho Iran, việc chúng đã được nước này tự lực hiện đại hóa ở trong nước và tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Tehran phản ánh địa vị lớn lao của chúng.

Máy bay MiG-29 Liên Xô vẫn giữ vai trò quan trọng trong biên chế Không quân Iran
Máy bay MiG-29 Liên Xô vẫn giữ vai trò quan trọng trong biên chế Không quân Iran

Số lượng MiG-29 cũng được bổ sung bởi các máy bay chiến đấu chạy trốn khỏi Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và bị Iran thu giữ (một số tài liệu cho biết, ít nhất 21 chiếc MiG-29 Iraq đã chạy sang Iran).

Tuy nhiên, mặc dù MiG-29A có lợi thế hơn so với các máy bay chiến đấu đồng hạng của phương Tây vào thời điểm Iran mua, nhưng biến thể cũ kỹ này ngày nay được coi là đã lỗi thời khi chống lại các máy bay chiến đấu của các đối thủ tiềm năng như F-16E của UAE hay F-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ được coi là có tính năng ưu việt hơn.

Sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (bắt đầu từ năm 2007) hết hiệu lực vào năm 2020, đã có suy đoán rằng, nước này có thể mua được mua các phiên bản MiG-29 hiện đại hơn hoặc biến thể nâng cấp sâu của chúng là MiG-35, nhưng đến nay, Không quân Iran đã không có được bất kỳ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Hiện nay, Iran được cho là đang vận hành một phi đội 60-80 chiếc MiG-29 và họ có thể sẽ mua thêm các phiên bản nâng cấp MiG-29, tùy thuộc vào sự hài lòng của Không quân đối với dòng máy bay này hay sự ưa chuộc các biến thể mới thời hậu Xô Viết ví dụ như những chiếc MiG-35, MiG-31 Foxhound hay các máy bay chiến đấu hạng nặng của Sukhoi, được chế tạo từ nguyên mẫu Su-27 Flanker.

Tuy nhiên, Iran hiện được cho là có nhiều khả năng xem xét mua sắm các máy bay chiến đấu J-10C của Trung Quốc hơn, một phần do quy mô được phép sản xuất lớn hơn nhiều và yêu cầu bảo dưỡng thấp hơn, nhưng cũng do sự thận trọng về độ tin cậy đối với Nga, sau khi Moscow liên tục chặn bán và hỗ trợ các nước phương Tây gây sức ép lên Tehran.