Mỹ lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phe đối lập Syria chống Nhà nước Hồi giáo - IS

ANTĐ - Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý hỗ trợ các nỗ lực huấn luyện và trang bị của Mỹ cho phe đối lập ôn hòa tại Syria, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 10-10, sau khi các đặc phái viên Mỹ hội đàm với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về việc chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, một nhóm lập kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tới Ankara vào tuần tới để tiếp tục lên kế hoạch thông qua các kênh quân sự với phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tuần này, đặc phái viên Tổng thống John Allen và phó đặc phái viên Brett McGurk đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức hội đàm với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, một phần trong nỗ lực không ngừng của Mỹ nhằm ép Ankara làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống lại IS.

Các đặc phái viên Mỹ và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng: “Việc tăng cường sức mạnh cho phe đối lập ôn hòa Syria, lực lượng đang chống lại cả Nhà nước Hồi giáo - IS và chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, có ý nghĩa rất quan trọng đối với bất kỳ giải pháp chính trị thực tế và lâu dài nào cho cuộc khủng hoảng Syria”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau các cuộc đàm phán tối hôm 9-10.

Mỹ lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phe đối lập Syria chống Nhà nước Hồi giáo - IS ảnh 1
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Iraq

Trước đó trong ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, viện trợ quân sự chính mà Mỹ muốn nhận từ Thổ Nhĩ Kỳ là việc được phép sử dụng căn cứ không quân Incirlik của nước này và một thỏa thuận giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng ôn hòa tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, có đường biên giới giáp với Iraq và Syria, được các quan chức Mỹ coi là một trong những yếu tố chính trong kế hoạch toàn diện tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo - IS của Tổng thống Barack Obama.

Nhưng Ankara có một mục tiêu lớn hơn là đánh bại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và coi việc thiết lập một vùng đệm ở phía bên kia biên giới Syria là một điều kiện để họ tham gia vào liên minh chống Nhà nước Hồi giáo IS.

Hôm 8-10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với các phóng viên rằng vùng đệm là một ý tưởng “cần phải cân nhắc rất, rất kỹ lưỡng”, nhưng sau đó Lầu Năm Góc cho biết họ không xem ý tưởng này như một lựa chọn quân sự.