Mỹ lập lực lượng đặc nhiệm chống quấy rối tình dục trên máy bay

ANTD.VN - Một phụ nữ ở Houston bay tới Thủ đô Paris (Pháp) có uống thuốc giảm đau và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, cô thấy nam hành khách ngồi bên cạnh tấn công tình dục mình. Cô cố bỏ tay anh ta ra, nhưng hắn đe dọa bịt miệng cô. Nữ hành khách nói rằng cô đã nói với thành viên phi hành đoàn Hãng hàng không American Airlines nhưng họ trả lời không giúp gì được.

Mỹ lập lực lượng đặc nhiệm chống quấy rối tình dục trên máy bay ảnh 1

Trong một trường hợp khác, Aubrey Lane đang trên chuyến bay từ Phoenix đến New York (Mỹ) thì người đàn ông ngồi bên cạnh cô bắt đầu gọi nhiều đồ uống cùng một lúc. Khi đã gọi 4 ly vodka và 2 loại bia, anh ta bắt đầu đưa ra những bình luận khiếm nhã với Lane. Theo đơn kiện American Airlines vào tháng 10-2018, Lane cho biết, có lúc anh ta ghì lấy mặt và hôn cô. “Cô ấy đẩy ra, nhất mực kêu lên “không được”, nhân chứng viết trong email gửi cho hãng hàng không. Lúc anh ta đứng dậy đi vào phòng vệ sinh, Lane cũng muốn thoát khỏi bầu không khí đó nên đi vào phòng vệ sinh nữ. Tuy nhiên, gã đàn ông đã cố cưỡng hiếp cô.

Tương tự, tháng 12-2019, cựu chiến binh Lena Ramsay và Jane Doe đệ đơn kiện Frontier Airlines tại tòa án liên bang, cho biết họ bị tấn công tình dục trong các chuyến bay riêng biệt và nhân viên hàng không đã không xử lý thỏa đáng.

Thiếu quy định về quy trình xử lý 

Theo Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), các vụ tấn công tình dục trên máy bay ngày càng gia tăng nhưng vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Thống kê cho thấy, trong năm 2014, FBI ghi nhận 38 trường hợp tấn công tình dục trên chuyến bay, nhưng tới năm 2017, con số đó tăng lên 63. Đến năm 2018, số vụ việc giảm xuống còn 39. Tuy nhiên, đó chỉ là con số tương đối bởi dữ liệu và chi tiết vụ việc rất khó để thu thập.

Paul Hudson, Chủ tịch Flyers Rights, một tổ chức đại diện cho hành khách hàng không cho biết, sự gia tăng các chuyến bay đêm, các chuyến bay đường dài và chuyến bay phục vụ rượu cho hành khách quá mức làm tăng khả năng các hành vi sai trái về tình dục trên máy bay.

Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, mỗi ngày có 44.000 chuyến bay chở 2,7 triệu hành khách trên toàn thế giới. Nếu một trong những hành khách bị tấn công hoặc quấy rối, họ chỉ có thể tuân theo quy trình 4-5 bước để báo cáo: từ tiếp viên, đến cơ trưởng, bộ phận giám sát mặt đất, sau đó là sở cảnh sát nơi máy bay hạ cánh. Sau đó, sự việc có được FBI điều tra hay không cũng không chắc chắn, một phần bởi sau khi máy bay hạ cánh, mọi người rời đi và khả năng điều tra càng yếu đi.

Không giống như hầu hết các ngành dịch vụ khác, các hãng hàng không không có nhiệm vụ pháp lý để báo cáo hoạt động tội phạm, chẳng hạn như tấn công tình dục vì pháp luật chưa có quy định nào liên quan. 

Tăng cường bảo vệ nạn nhân

Sunitha Menon, Giám đốc hoạt động dịch vụ tư vấn tại Mạng lưới quốc gia hiếp dâm, lạm dụng cùng một đội ngũ 13 người đang nỗ lực để thay đổi điều đó. Vào tháng 10-2018, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật Tái thẩm định Cục hàng không Liên bang Mỹ. Từ đó, Đội đặc nhiệm quốc gia chống các hành vi sai phạm về tình dục trên máy bay được thành lập. Thành viên 14 người đến từ các đơn vị khác nhau, trong đó có đại diện các hãng hàng không, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Công đoàn. Nhóm bắt đầu họp mỗi tháng một lần vào tháng 4-2018, có nhiệm vụ ghi nhận, nghiên cứu và đề xuất hướng dẫn các cơ quan chức năng có liên quan.

“Một trong những điều tốt nhất khi thành lập lực lượng đặc nhiệm này là nếu ai đó có hành vi sai trái về tình dục trên máy bay, người đó sẽ phải đối mặt với hậu quả khi xuống mặt đất”, thành viên lực lượng đặc nhiệm Lyn Montgomery nói. Montgomery là Chủ tịch của Liên minh Công nhân Vận tải - Địa phương 556, Công đoàn tiếp viên hàng không Southwest Airlines.

Bà Montgomery cho biết, các tiếp viên hàng không cần có hướng dẫn về quy trình để có thể tuân theo khi hành vi sai trái tình dục xảy ra, đặc biệt vì họ là nạn nhân phổ biến nhất của quấy rối trên máy bay. Theo một cuộc khảo sát từ Hiệp hội Tiếp viên hàng không-CWA, khoảng 68% tiếp viên đã trải qua các vụ quấy rối tình dục trong sự nghiệp bay của họ.

Bên cạnh đó, giáo dục nhận thức cũng là chìa khóa để giải quyết vấn đề, ông Sunitha Menon nhận định. Theo chuyên gia này, giống như phong trào #MeToo, khi các nạn nhân càng lên tiếng về hành vi bị quấy rối, càng có thêm nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng và nhận thức của xã hội về vấn đề này sẽ được tăng lên.