Mỹ “hất cẳng” Nga, độc bá thị trường vũ khí Ấn Độ

ANTĐ - Ba năm qua, Mỹ đã thay thế Nga, trở thành nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. 

Từ năm 1999, Ấn Độ bắt đầu xây dựng chiến lược đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Ngoài Nga, Mỹ ra, Pháp và Israel cũng đang nỗ lực chạy đua, xâm nhập thị trường vũ khí quân sự béo bở này, dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ông lớn về xuất khẩu vũ khí trên thế giới.

Trong văn bản ngày 12-8 của bộ trưởng Bộ quốc phòng Ấn Độ - Arun Jaitley báo cáo lên Thượng viện cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí 3 năm qua của Ấn Độ đạt  834,58 tỷ rupee. Trong đó, tổng kim ngạch tiêu thụ vũ khí quân sự của Mỹ, Nga, Pháp, Israel cho Ấn Độ lần lượt là 326,15 tỷ rupee, 253,64 tỷ rupee, 120,47rupee, 33,89 tỷ rupee.

Truyền thông Ấn Độ cho rằng, từ năm 1960 Liên Xô đã bán máy bay chiến đấu MiG-21 và xe tăng Type T-55, đến bây giờ Nga lại bán máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI và xe tăng chủ lực T-90S cho Ấn Độ, nếu xét tổng kim ngạch bán vũ khí quân sự hàng chục năm qua, thì Nga vẫn đứng ở vị trí thứ nhất.

Mỹ “hất cẳng” Nga, độc bá thị trường vũ khí Ấn Độ ảnh 1

Ấn Độ đã nhận được 200 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKI 


Được biết, không quân Ấn Độ đã tiêu tốn khoảng 12 tỷ USD để mua 272 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKI – phiên bản hiện đại nhất của dòng Su-30. Hiện nay, Nga đã bàn giao được 200 máy bay chiến đấu loại này.

Ngoài ra, Moscow đang gấp rút triển khai hợp đồng với Ấn Độ để cùng nghiên cứu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 FGFA (phiên bản xuất khẩu của T-50 Sukhoi PAK FA). Nếu như New Dehli thật sự muốn nhập khẩu 200 chiếc máy bay chiến đấu loại này thì sẽ phải bỏ ra khoảng 35 tỷ USD.

Theo báo cáo, từ năm 2007 cho đến nay, Mỹ và Ấn đã ký thỏa thuận mua bán vũ khí quân sự gần 10 tỷ USD, bao gồm 12 chiếc máy bay vận tải C-130J “Super Hercules”, 08 chiếc máy bay tuần tra trên biển P-8I (phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon), 10 chiếc máy bay vận tải hạng nặng C-17 “Globemaster-III”.

Mỹ “hất cẳng” Nga, độc bá thị trường vũ khí Ấn Độ ảnh 2

Máy bay vận tải hạng nặng C-130J “Super Hercules”


Trong đó còn bao gồm 22 chiếc máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache, 15 chiếc máy bay trực thăng vạn tải CH-47 Chinook. Ngoài ra, hai thỏa thuận mua bán vũ khí tổng giá trị hơn 2,5 tỷ USD giữa hai nước cũng sắp được ký kết. Sau việc đầu tư mua sắm vũ khí cho lực lượng không quân, Ấn Độ còn có nhu cầu mua 39 chiếc máy bay trực thăng Apache cho lực lượng lục quân.

Ngoài ra, trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tuần trước, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đề xuất nhiều chương trình hợp tác chế tạo vũ khí, trong đó bao gồm cả việc sản xuất tên lửa chống tăng “Javelin” và máy bay trực thăng MH-60 “Seahawk”.

Theo bài báo, hiện nay việc giao hàng của Nga không tuân thủ đúng kế hoạch, giá thành thường bị đội lên, trở ngại trong chuyển giao công nghệ, việc cung ứng lắp đặt linh kiện không đáng tin cậy, chính vì vậy sau năm 1999, Ấn Độ đã lựa chọn chiến lược đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí để đáp ứng yêu cầu của quân đội.