Mỹ gia tăng áp lực lên tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi công bố một tài liệu nghiên cứu dài 47 trang để một lần nữa phản bác “các yêu sách trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ tiến thêm một bước trong việc gia tăng áp lực lên tham vọng đòi độc chiếm vùng biển chiến lược quan trọng này của Trung Quốc.

Lần Mỹ tập trung nhiều tàu đổ bộ nhất tại Biển Đông

Tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI)-một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc cho biết, dựa trên tín hiệu AIS và các thông tin tình báo mở, 2 nhóm tàu chiến Mỹ vừa mới tiến vào Biển Đông từ 2 hướng khác nhau.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Essex có thêm các tàu đổ bộ USS Portland và USS Pearl Habor. Nhóm này được 2 tàu khu trục USS O'Kane và USS Michael Murphy hộ tống tiến vào Biển Đông qua eo biển Malacca. Đây là nhóm tàu vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo dài 3,5 tháng ở Trung Đông và di chuyển từ Ấn Độ Dương vào Biển Đông.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tiến vào Biển Đông từ phía Đông sau thời gian hoạt động trên biển Philippines. USS Carl Vinson không xa lạ với Biển Đông vì đã từng nhiều lần đi vào khu vực. USS Carl Vinson mang theo tiêm kích tàng hình F-35C và được tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Lake Champlain cùng 5 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke hộ tống.

Tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến vào Biển Đông diễn tập

Tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến vào Biển Đông diễn tập

Hải quân Mỹ vẫn chưa công bố kế hoạch của 2 nhóm tàu trên nhưng theo Báo South China Morning Post, các tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Mỹ sẽ hội quân và có các hoạt động chung trong thời gian trên Biển Đông. Nếu 2 nhóm tàu này gặp nhau, đây sẽ là lần Mỹ tập trung nhiều tàu đổ bộ nhất tại Biển Đông trong vài năm trở lại đây.

Hồi tháng 7-2020 và tháng 2-2021, hai nhóm tàu sân bay Mỹ cũng đã hội quân và phô diễn sức mạnh trên Biển Đông vào thời điểm căng thẳng dâng cao vì các hoạt động tập trận của Trung Quốc. Tháng 11-2021, tàu sân bay Carl Vinson cũng đã tập trận chống tàu ngầm chung với tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật Bản.

Động thái mới của Mỹ diễn ra không lâu sau khi tàu sân bay lớp Kuznetsov mang tên Sơn Đông của Trung Quốc tiến xuống Biển Đông “diễn tập định hướng chiến đấu thực tế” vào cuối tháng 12 năm ngoái. Cùng thời gian này, tàu sân bay Liêu Ninh cũng băng qua eo biển nằm giữa các đảo do Nhật Bản kiểm soát để tiến ra Tây Thái Bình Dương. Hình ảnh do phía Trung Quốc công bố cho thấy, tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật xuất hiện gần nhóm tàu Liêu Ninh như đang giám sát.

Hiện nay, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã trở về cảng ở Tam Á, phía Nam đảo Hải Nam. Tàu Liêu Ninh cũng đã trở về cảng Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông. Trong thời gian các tàu sân bay của Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông và Thái Bình Dương, không có tàu sân bay nào của Mỹ trong khu vực.

Sự xuất hiện của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông diễn ra chỉ 3 tuần trước khi Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh khai mạc, sự kiện mà Mỹ và nhiều nước đồng minh đã tuyên bố tẩy chay về mặt chính trị, cũng như Tết Nguyên đán.

“Dàn hợp xướng” trong cuộc cạnh tranh nước lớn

Theo báo chí nước ngoài, Mỹ đưa tàu chiến tới Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trong thời gian gần đây trong nhiều vấn đề. Nhìn tổng thể, các hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông vốn đã tăng kể từ năm 2009, song trong năm nay đã tăng mạnh hơn so với năm ngoái.

Theo báo cáo của SCSPI, các nhóm tàu sân bay của Mỹ, gồm Carl Vinson, Theodore Roosevelt, Nimitz và Ronald Reagan đã đi vào Biển Đông 9 lần trong năm 2021. Nếu tính cả hải trình của tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island và tàu USS Essex, thì các chiến hạm Mỹ đã di chuyển qua Biển Đông 11 lần trong năm 2021.

Bên cạnh đó, trong cùng thời điểm, Mỹ cũng đã triển khai 14 lượt máy bay ném bom chiến lược B-52H và B-1B tới Biển Đông, cùng với 11 tàu ngầm hạt nhân đi qua vùng biển này, trong đó có tàu USS Connecticut bị hư hại trong một vụ va chạm gần đây. Về trinh sát trên Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm nay, Mỹ đã triển khai hơn 2.000 chuyến bay, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Riêng trên Biển Đông là 500 chuyến.

Về trang bị, thời gian tới, Hải quân Mỹ sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc đóng mới nhiều loại tàu hiện đại: tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay; trang bị trên các tàu nhiều loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, bảo đảm tấn công từ xa, chính xác, khả năng sát thương cũng như tốc độ cơ động lớn… Mỹ cũng chú trọng hoạt động tình báo, trinh sát, cảnh giới, phân tích, chia sẻ thông tin; huấn luyện, đào tạo, tuyển dụng. Thực hiện tốt việc này sẽ làm gia tăng sức mạnh biển, điều kiện tiên quyết để Mỹ giành thắng lợi trong các cuộc cạnh tranh và duy trì hoạt động hàng hải ở các đại dương, phục vụ lợi ích của quốc gia.

Không chỉ hành động đơn phương, Mỹ còn rất chú ý hợp tác với các đồng minh trong nỗ lực nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ hồi đầu năm 2021, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ chung tay với các đồng minh cùng chí hướng để hình thành một “dàn hợp xướng” gồm nhiều tiếng nói có thể đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

Ông Jake Sullivan đề xuất 4 bước mà Mỹ cần thực hiện để đối phó những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Trước hết là đối phó với quan điểm được Trung Quốc truyền đạt cho rằng, mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình Mỹ. Thứ hai, Mỹ cần “nhận ra chúng ta sẽ rất hiệu quả trong việc thúc đẩy tầm nhìn của mình” bằng cách hợp tác chặt với các đồng minh và đối tác. Ba là, Mỹ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến quan trọng trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, năng lượng sạch... Cuối cùng, là Mỹ “phát biểu với sự rõ ràng và kiên định” về các vấn đề liên quan Trung Quốc như Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan và “sẵn sàng áp đặt những cái giá phải trả”.

Tất nhiên, các động thái của Mỹ gặp phải sự phản đối của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn đổ lỗi cho những căng thẳng ở khu vực là do các nước bên ngoài khu vực như Mỹ đưa tàu chiến đến. Mới đây, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố rằng, nỗ lực kiềm chế Trung Quốc là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ông Ngô nói rằng: “Quan hệ quân sự Trung Quốc-Mỹ hiện ở điểm khởi đầu lịch sử mới với chính quyền ông Joe Biden” và Washington cần đón nhận “tâm lý không đối đầu, cùng có lợi”.

Đáp trả luận điệu của Bắc Kinh, Washington và nhiều nước tuyên bố đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề quan trọng, nằm trong lợi ích của các nước vì đây là nơi tập trung nhiều tuyến giao thương quốc tế.