Mỹ "gắn mác" Việt Nam thao túng tiền tệ: Cần chủ động, tích cực trao đổi để tháo gỡ khúc mắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia, trước việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ và xác định Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) là quốc gia thao túng tiền tệ, các cơ quan chức năng Việt Nam cần bình tĩnh, thận trọng, phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin với phía Mỹ nhằm tháo gỡ những khúc mắc trong vấn đề này.

Tại Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ do Báo An ninh Thủ đô phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 24/12, các chuyên gia kinh tế - tài chính đã có những ý kiến xung quanh việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là những quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 nền kinh tế (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ) thuộc diện theo dõi.

Các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ

Các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ

Nhấn mạnh đây là nội dung được dư luận quan tâm thời gian qua, TS Chu Quốc Dũng, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Việt Nam không thao túng tiền tệ

Theo các chuyên gia, các tiêu chí bị cáo buộc là thao túng tiền tệ của Mỹ bao gồm: Thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ ≥ 20 tỷ USD (Việt Nam lũy kế 12 tháng đến hết tháng 6/2020 đạt 58 tỷ USD); Thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP (Việt Nam xấp xỉ 4,6% GDP); Khối lượng mua ngoại tệ ròng trên 2% GDP trong vòng 12 tháng và Mua ngoại tệ ròng liên tục trong 6-12 tháng (Việt Nam mua ròng 16,8 tỷ USD, tương đương 5,1% GDP).

Phân tích các tiêu chí trên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược (VESS) cho rằng, việc Mỹ cáo buộc Việt Nam dự trữ quá nhiều ngoại tệ để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ là không xác đáng. Bởi trên thực tế, chúng ta có 2 luận điểm cho việc tăng dự trữ ngoại hối: thứ nhất là để giao dịch bình thường; thứ hai là để xây dựng hệ thống dự trữ ngoại hối.

Theo đó, vị chuyên gia ủng hộ quan điểm là Việt Nam cần tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối.

“Mặc dù trên truyền thông liên tục nói Việt Nam đạt đỉnh cao về dự trữ ngoại tệ, tính đến tháng 8/2020 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD. Điều đó bình thường thôi vì đó là các chỉ số tăng dần theo thời gian, so với quá khứ nó luôn là hơn.

Nhưng tính theo tỷ lệ tháng nhập khẩu của chúng ta thì lượng dự trữ ngoại hối vẫn còn rất thấp. Dự trữ ngoại hối của chúng ta mới chỉ đạt 3,87 tháng nhập khẩu, trong khi các nước lân cận như Malaysia đạt 6,37 tháng nhập khẩu; Singapore là 12,1 tháng nhập khẩu, Thái Lan 13,27 tháng nhập khẩu… Vì thấp như thế này nên về lâu dài chúng ta nên tăng lên, tôi khuyến nghị Việt Nam cần dự trữ ít nhất là 6 tháng nhập khẩu, tức là trong vòng 1-2 năm tới nên là mốc 150 tỷ USD” – PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành trình bày tham luận tại Diễn đàn

PGS.TS Nguyễn Đức Thành trình bày tham luận tại Diễn đàn

Còn về cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, theo ông Thành, đây là vấn đề có tính chất cơ cấu, không phải tiền tệ. Tức là sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu bắt nguồn từ mô thức của chuỗi giá trị toàn cầu, không thuần túy phụ thuộc vào giá trị tiền tệ. Bởi Việt Nam nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu, có xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đông Nam Á, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

“Điều này đã diễn ra trong lịch sử thương mại thế giới và việc Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ dù có được giải quyết theo cách mà Mỹ muốn thì chúng ta đều có thể dự báo được rằng thặng dư thương mại của Việt Nam và Mỹ vẫn sẽ ngày càng lớn lên, phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu hiện nay” – vị chuyên gia khẳng định.

Cần đối thoại để tháo gỡ vấn đề

Với những phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc rà soát dư cán cân vãng lai (tổng thể) có thể là một vấn đề để thảo luận thêm, và cần lưu ý khuynh hướng dài hạn. Việt Nam đã và đang tích cực cân đối thương mại với Mỹ thông qua việc mua hàng tư bản (như máy bay) và năng lượng (khí hóa lỏng) quy mô lớn.

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ

“Thực tế chúng ta không có nhu cầu nhập khẩu nhiều từ Mỹ, mà chúng ta nhập nhiều từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, vì các nước này gần hơn, giá cả phù hợp hơn… Nhưng nếu chúng ta có những cải thiện như trên tôi nghĩ rằng sẽ giúp tăng nhập khẩu từ Mỹ một cách ổn định, từ đó cân đối thương mại với Mỹ” – TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, việc điều tra thao túng tiền tệ cần có sự đề xuất từ phía doanh nghiệp Mỹ.

Theo đó, đang có một số ngành mà các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ muốn giảm sự cạnh tranh từ Việt Nam, đặc biệt, những mặt hàng mà Mỹ cho rằng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng lại thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

“Vì vậy, để tránh cho những hoạt động đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, tôi nghĩ Việt Nam cần chủ động kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng này rồi từ đó xuất khẩu sang Mỹ, nhất là những mặt hàng mà Trung Quốc đang bị Mỹ áp mức thuế cao” – ông Nguyễn Đức Thành nói và cho rằng Việt Nam có thể vận dụng tối đa các giải pháp ngoại giao với Mỹ để bóc tách những vấn đề này.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đang rất tốt đẹp. “Về lợi ích chiến lược thì Mỹ không có lợi ích nào nếu “gây khó” cho Việt Nam . Vì hiện nay đối thủ thương mại chiến lược của Mỹ không phải chúng ta” – ông nói.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh

Do đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách ngoại giao phù hợp để tháo gỡ vấn đề này.

“Sở dĩ thời gian qua xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng vì chúng ta đã thay thế một phần xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm sút, chứ không phải chúng ta thao túng tiền tệ. Tôi tin rằng phía Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại giao sẽ có các chính sách ngoại giao phù hợp” – TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.

Trước đó, trong một nghiên cứu, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, trước tiên, các cơ quan chức năng Việt Nam cần bình tĩnh, thận trọng, phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin với phía Mỹ.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ do vấn đề cốt lõi mà Mỹ quan tâm là vấn đề giảm thâm hụt thương mại với các nước (trong đó có Việt Nam ) hơn chỉ là vấn đề tiền tệ thuần túy. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống Covid-19...

Đồng thời, cần quyết liệt, phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ và các Hiệp định FTA khác cũng như hành vi trốn thuế…

Với những giải pháp đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta kỳ vọng nhưng không nên chủ quan.

Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm có giải pháp chủ động, linh hoạt và kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Mỹ.