Mỹ chỉ trích Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea

ANTĐ -Một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga là triển khai vũ khí trang bị mới nhất ở bán đảo Crimea.

Tờ Kommersant của Nga ngày 20-10-2014 cho biết, các nghị sĩ Hạ viện Mỹ đã cáo buộc Moscow đang chuẩn bị triển khai phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Crimea, đặc biệt là ý đồ bố trí máy bay ném bom chiến lược T-22M3 và hệ thống tên lửa chiến dịch chiến thuật Iskander, được mệnh danh “sát thủ điểm huyệt”, phiên hiệu NATO là SS-X-26.

Hệ thống tổ hợp Iskander

Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng, việc này đã “ngang nhiên vi phạm” hiệp nghị giữa Nga và NATO, yêu cầu chấm dứt toàn bộ tất cả “tiếp xúc” giữa các thành viên NATO và quân đội Nga. Nhưng, Moscow không có ý định từ bỏ kế hoạch triển khai cụm chiến đấu ở Crimea.

Gần đây, Chủ tịch ủy ban các lực lượng vũ trang hạ viện Mỹ, Howard McKeon, Chủ tịch tiểu ban lực lượng chiến lược Mike Rogers, Chủ tịch tiểu ban lực lượng lục quân và không quân chiến thuật Michael Turner, cùng trình thư gửi tổng thống Obama, thông báo kế hoạch Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea.

Các nghị sĩ Mỹ cho biết, đầu tháng 8, Moscow sớm đã quyết định điều động máy bay ném bom T-22M3 và hệ thống tên lửa “sát thủ điểm huyệt” Iskander đến Crimea, chúng có thể sử dụng tên lửa hành trình R-500 trong tương lai, bao gồm cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công chính xác mục tiêu.

Thành viên ủy ban các lực lượng vũ trang Mỹ James Inhofe cho biết, tên lửa Iskander của Nga đã vi phạm hiệp ước cấm tên lửa tầm ngắn và tầm trung mà Liên Xô ký năm 1987. Theo hiệp ước, Nga và Mỹ cam kết không thử nghiệm, chế tạo mới và triển khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo, hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, mà “sát thủ điểm huyệt” này có tầm bắn tối đa 2.600km.

Moscow đã bác bỏ và cho rằng, chính Washington đã vi phạm đầu tiên các yêu cầu của hiệp ước, nghiên cứu tên lửa tầm trung hạng trung để thử nghiệm đánh chặn tên lửa.

Giới chức Nga cho rằng, thỏa thuận trên không còn giá trị pháp lý do tình hình thế giới đã có nhiều biến đổi. Hiện tại, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã sở hữu công nghệ tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện đại như: Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Israel, Iran, Ấn Độ và Pakistan...  Nga cần có loại vũ khí đối trọng để đảm bảo an ninh chiến lược.

Các nghị sĩ Mỹ trong thư đã chỉ ra, Nga chưa được sự đồng ý của nước khác mà đã bố trí vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ nước đó, là quyết định vô cùng nguy hiểm. Điều này sẽ khiến cho quân Nga từng bước tiến vào căn cứ của NATO, giành ưu thế quân sự trong khu vực.

“Hành động bất hợp pháp” của nhà lãnh đạo Nga  “vi phạm trắng trợn” hiệp nghị ký kết giữa NATO và Nga từ năm 1997 đã thỏa thuận rằng NATO không được đặt lực lượng lâu dài tại Đông Âu. Hiệp ước đã chính thức kết thúc sự thù địch giữa Nga và NATO. Với thỏa thuận đó, Mátxcơva khẳng định rằng phương Tây đã cam kết không thiết lập bất kỳ căn cứ quân sự nào tại các quốc gia thuộc khối Đông Âu, vốn gia nhập NATO sau khi Liên Xô sụp đổ.

Các nghị sĩ Mỹ yêu cầu tổng thống Obama thông báo các biện pháp trả đũa mà Washington có thể áp dụng đối với Moscow. Họ cho rằng, biện pháp trả đũa đầu tiên có thể áp dụng là cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc giữa Moscow và các thành viên NATO, trục xuất các nhân viên quân sự Nga ra khỏi địa bàn NATO, đồng thời kiến nghị cấm Nga tiến hành bay quan sát trong khuôn khổ “hiệp ước bầu trời mở” quốc tế.

"Sát thủ tàu sân bay" T-22M3

Hiệp ước Bầu trời mở, được 27 nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông qua ngày 24-3-1992 tại Helsinki (Phần Lan), đến nay đã có 34 nước thành viên. Mục đích của Hiệp ước này là nhằm hỗ trợ tính công khai và minh bạch của hoạt động quân sự, giám sát việc tuân thủ các hiệp ước hiện hành trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, cũng như thắt chặt an ninh thông qua việc củng cố các biện pháp tin cậy.

Một quan chức Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, một trong những ưu tiên của quân đội Nga là triển khai vũ khí trang bị mới nhất ở bán đảo Crimea. Nga đã thông qua quyết định bố trí trung đoàn máy bay ném bom tên lửa chiến lược T-22M3 ở Gvardeysk, nhưng tiến trình triển khai cụ thể phải đến năm 2016 mới có kết quả cuối cùng. Trước mắt, Nga cần phải cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng mặt đất các căn cứ không quân. Vị quan chức này không đưa ra bình luận về kế hoạch bố trí tên lửa Iskander.

Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trước đó đã từng nói, quân đội Nga có thể bố trí hệ thống vũ khí loại này ở bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ nước Nga, ý định đặt ở đâu sẽ đặt ở đó.

Tại hội nghị Bộ quốc phòng Nga tổ chức vào tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Shoigu đã phát biểu, phải bố trí cụm chiến đấu đúng yêu cầu, đủ mạnh trên hướng Crimea. NATO cho rằng, Nga mở rộng hiện diện quân sự ở Crimea sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng với châu Âu, nhưng cũng không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với kế hoạch triển khai vũ khí của quân đội Nga.