Mỹ bị Trung Quốc đánh bật khỏi “chuỗi đảo thứ nhất”, lùi về “chuỗi đảo thứ 2”?

ANTĐ - Các học giả Bắc Kinh cho rằng, trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc, Mỹ đã phải bỏ “chuỗi đảo thứ nhất”, rút về cố thủ ở “chuỗi đảo thứ hai”.

Theo truyền hình Trung ương Trung Quốc, có phân tích cho rằng cùng với chính sách quay lại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang đối diện với một cục diện khu vực có những biến đổi lớn, khác hoàn toàn so với thời gian trước đây, đó là hải quân Trung Quốc đã từng bước được trang bị khả năng tác chiến viễn dương.

Điều này có nghĩa là Mỹ-Trung có nhiều cơ hội đối đầu hơn trong vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn. Đồng thời chiến lược bao vây Trung Quốc bằng các chuỗi đảo đã dần dần thất bại, đặc biệt là các căn cứ quân sự thuộc chuỗi đảo thứ nhất hiện đã nằm trong tầm phóng của tên lửa Trung Quốc, không còn trong phạm vi an toàn như trước.

Mỹ “ẩn mình” phía sau chuỗi đảo thứ nhất, phòng thủ chuỗi đảo thứ 2

Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng nghỉ hưu Từ Quang Dụ trong trả lời phỏng vấn cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng quân sự Trung Quốc, đặc biệt là về khả năng “chống tiếp cận/khu vực cấm”, nhằm bảo vệ lực lượng của mình, Mỹ đã phải bỏ “chuỗi đảo thứ nhất”, rút về cố thủ ở “chuỗi đảo thứ hai”.

Đảo Guam có vị trí của hết sức quan trọng trong chuỗi đảo thứ 2, là căn cứ trọng yếu trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á của Mỹ. Chuyên gia quân sự Đài Loan Thi Hiếu Vĩ cho biết, mặc dù rút lui khỏi chuỗi đảo đầu tiên, nhưng Mỹ sẽ không bỏ rơi các căn cứ quân sự của mình ở Nhật Bản.

Ông Từ Quang Dụ cho biết, trước mắt 3 chuỗi đảo mà Mỹ xây dựng nên có 2 đặc điểm chung: Thứ nhất là có khả năng răn đe. Washington lợi dụng các chuỗi đảo này để gây áp lực và cảnh báo Bắc Kinh rằng, ở khu vực này vẫn có sự tồn tại quân sự của Mỹ.

Tàu sân bay Mỹ dẫn đầu hạm đội tàu chiến các nước, trong đó có Trung Quốc tại diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC 2014)

Trên thực tế, sự uy hiếp này mang tính chất tiềm ẩn, bởi trong điều kiện thời bình, các tàu hàng, các tàu chiến của Trung Quốc đều có thể lưu thông qua chuỗi đảo này. Chỉ trong thời chiến, những chuỗi đảo này mới phát huy được tác dụng uy hiếp của mình.

Thứ hai: Tính linh hoạt, biến đổi tùy vào tình huống phát sinh. Hiện nay, tình hình đang biến chuyển theo hướng Mỹ rút khỏi chuỗi đảo thứ nhất, lùi về chuỗi đảo thứ 2, việc này có liên hệ rất lớn với sự thay đổi cán cân quyền lực Trung - Mỹ.

Trong khi lực lượng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh thì ảnh hưởng của Mỹ ngày càng bị thu hẹp lại. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực xa hơn sẽ nằm trong tầm ngắm của các tên lửa hành trình Trung Quốc, ví dụ như tên lửa đạn đạo tầm ngắn Đông Phong-15 (DF-15) đã có thể tấn công có hiệu quả đối với chuỗi đảo thứ nhất.

Trong tình huống này, việc Mỹ quay về bảo toàn ở chuỗi đảo thứ 2 là điều hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy Washington đã đưa ra chiến lược “Tác chiến không-hải nhất thể”, mưu đồ kết hợp giữa lực lượng Hải quân và Không quân để tấn công các mục tiêu trên biển và mặt đất của Trung Quốc, một khi chiến sự nổ ra.

Nhật Bản là một mắt xích trọng yếu của chuỗi đảo thứ nhất. Quan hệ Mỹ-Nhật là quan hệ đồng minh quân sự lâu đời, trên lãnh thổ của Nhật có hàng trăm căn cứ quân sự Mỹ với khoảng 37.000 quân đồn trú. Những năm qua Washington đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc vào việc xây dựng các căn cứ quân sự này. Vậy khi rút lui, liệu họ có bỏ rơi các căn cứ quân sự ở đây hay không?

Bản đồ các cứ điểm của Mỹ trên “chuỗi đảo thứ nhất” và “chuỗi đảo thứ hai”

Chuyên gia quân sự Đài Loan Thi Hiếu Vĩ cho biết, Mỹ sẽ không bỏ rơi các căn cứ quân sự của mình chạy từ Bắc đến Nam của Nhật Bản, từ căn cứ Misawa ở huyện Aomori, căn cứ Yokosuka, Atsugi ở tỉnh Kanagawa, đến căn cứ Sasebo ở Nagasaki và hàng loạt các căn cứ quân sự quan trọng khác, đều là bộ phận cấu thành quan trọng của quân đội nước này đồn trú ở Nhật Bản.

Lực lượng quân đồn trú của Mỹ ở Nhật Bản có nhiệm vụ quan trọng là phòng ngừa sự tấn công của Triều Tiên. Hiện nay, Washington vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh cho các căn cứ quân sự ở đây, triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cho cả Tokyo và Seoul. Điều đó chứng tỏ rằng, Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi các căn cứ quân sự ở Nhật Bản.

Nếu đưa ra giả thuyết Washington đã mất hoàn toàn tính năng phòng thủ ở chuỗi đảo thứ nhất, việc liên thủ với Tokyo trấn thủ “chuỗi đảo thứ hai” là biện pháp quan trọng để duy trì các hoạt động của các lực lượng quân sự Mỹ ở chiến trường Tây Thái Bình Dương.

Mỹ củng cố đảo Guam trở thành hạt nhân của chuỗi đảo thứ 2

Washington tỏ ra khá lo lắng đối với việc mất dần đi ảnh hưởng của chuỗi đảo thứ nhất. Để thay đổi tình hình, một mặt Mỹ tiến hành điều chỉnh bố trí quân sự ở chuỗi đảo thứ nhất, mặt khác dần đưa lực lượng đồn trú ở chuỗi đảo thứ nhất lùi về sau, ngoài ra đẩy mạnh củng cố đảo Guam thành hạt nhân trong chuỗi đảo thứ 2.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ mở rộng căn cứ Andersen trên đảo Guam để có thể làm căn cứ cho lực lượng không quân của hải quân đánh bộ Mỹ. Theo các số liệu do Nhà Trắng công bố, việc nâng cấp và mở rộng đảo Guam cần 12 tỷ USD. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ hy vọng có thể xây dựng đảo Guam trở thành “Sở chỉ huy khu vực”, là căn cứ phù hợp để cung cấp bảo đảm hậu cần.

Sơ đồ bố trí các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc

Đảo Guam xuất hiện ngày càng nhiều trong các kế hoạch hành động quân sự của Mỹ, vì sao phải đặc biệt tăng cường xây dựng, hòn đảo này rốt cuộc có giá trị chiến lược quân sự như thế nào?

Từ Quang Dụ cho biết, đảo Guam có vị trí địa lý chiến lược vô cùng quan trọng. Đảo Guam cùng với Alaska, Hawaii đều thuộc lãnh thổ Mỹ, khoảng cách giữa đảo Guam và Hawaii là 6.000km, cách đất liền Mỹ khoảng 8.000km, nhưng chỉ cách các căn cứ quân sự trong chuỗi đảo thứ nhất ở Nhật Bản có 3.000km.

Có thể thấy Guam là hòn đảo trên Thái Bình Dương của Mỹ gần nhất với phần lục địa châu Á, cũng là hòn đảo lớn nhất với diện tích lên tới 500km2, có thể chứa lực lượng cả 4 quân chủng là hải quân, lục quân, không quân và hải quân đánh bộ Mỹ và các trang bị, vũ khí đạn dược nhiên liệu để bảo đảm công tác hậu cần.

Tất cả những điều kiện này khiến cho đảo Guam trở thành một cơ quan chỉ huy tổng hợp hết sức quan trọng của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương.

Mỹ có kế hoạch biến đảo Guam thành Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng là căn cứ chỉ huy khu vực. Sở chỉ huy tiền duyên có vai trò quan trọng trong việc chỉ huy, điều tiết, cơ động lực lượng theo hướng tác chiến quan trọng, đảo Guam hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu này.

Do có khoảng cách khá gần với lục địa châu Á, các máy bay, tàu chiến của hải quân và không quân Mỹ có thể di chuyển hết sức thuận lợi. Ví dụ máy bay ném bom B-52 khi xuất phát từ đảo Guam sẽ không cần tiếp dầu trên không, có thể bay từ căn cứ tới châu Á thực hiện nhiệm vụ; sau khi tiếp dầu, các chiến đấu cơ như F-35, F-22 có thể đến tác chiến ở châu Á; hàng không mẫu hạm, tàu ngầm hạt nhân có thể cấp bổ sung, bảo trì ở hòn đảo này.

Vị trí trọng yếu của đảo Guam (điểm đỏ) đối với “chuỗi đảo thứ hai”

Một điểm quan trong nữa là Guam cách Đại Lục khoảng hơn 3.000km nên rất ít phương tiện tác chiến của Trung Quốc có thể tấn công tới đây. Chính vì vậy, sau tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, đảo Guam trở thành trung tâm quan trọng phục vụ cho chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Một vấn đề lớn đặt ra với các chuyên gia quân sự Trung Quốc là nếu một Sở chỉ huy như vậy được xây dựng thành công ở đảo Guam, liệu có ảnh hưởng đến an ninh hàng hải ở các khu vực xung quanh Đại Lục và các hoạt động của hải quân Trung Quốc hay không?

Ông Từ Quang Dụ nhận định: Trong thời bình, do mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc hết sức quan trọng nên đối với những vấn đề như đảo Guam, hai bên sẽ thông qua đối thoại và các biện pháp khác để xây dựng một số nguyên tắc, tìm ra các biện pháp tránh hiểu nhầm, phòng ngừa nổ súng.

Trong tình huống căng thẳng cũng cần xem xét tới vấn đề: Một mặt đảo Guam là trung tâm chiến lược quan trọng, biểu thị sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhưng mặt khác đảo Guam là một mục tiêu cố định, chịu sự uy hiếp của hệ thống tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Để cân bằng chiến lược của cả hai bên, Bắc Kinh cần có phương tiện có thể tấn công tới đảo Guam, trong tình huống cần tới sự áp chế đối với hòn đảo này. Ví dụ tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, hoặc các loại tên lửa đạn đạo DF-25, DF-26C có tầm phóng tới đảo Guam mà gần đây Trung Quốc mới chế tạo thành công.