Mỹ bất lực nên đồng minh lũ lượt rời bỏ tìm “trợ thủ mới”?

ANTĐ - Gần đây, khi cả thế giới đang tập trung chú ý vào Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Bắc Ireland thì Mỹ âm thầm tổ chức tiến hành liên tiếp 2 cuộc diễn tập ở biển Baltic và Thái Bình Dương.

Tờ “Tin tức phố Wall” (Wall Street Journal) cho rằng, dường như 2 cuộc diễn tập lặng lẽ này là để chuẩn bị cho “một tình huống xấu nhất”. Đáng chú ý là trong cuộc diễn tập trên biển Baltic, lực lượng tàu chiến tham gia đã xuất hiện khá nhiều khuôn mặt mới, trong đó chủ yếu là chiến hạm đến từ Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Cuộc diễn tập này đặt ra một tưởng định là đối phó với những uy hiếp đến từ một cường quốc láng giềng. Ngoài ra, trong cuộc diễn tập diễn ra trước đó, Canada, New Zealand và Nhật Bản kết hợp với hải quân đánh bộ Hoa Kỳ đóng quân tại trại Pendleton ở California đã triển khai cuộc diễn tập với tưởng định tái chiếm đảo bị một cường quốc khác chiếm đóng.

Bài viết đã cho biết, 2 cuộc diễn tập này đã chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng là đồng minh của Mỹ ở một số khu vực chiến lược trên thế giới đang đứng trước những thách thức lớn. Trong một vòng cung kéo dài từ phía Đông cho đến Đông Âu, qua Vịnh Ba Tư đến Đông nam Á, một số quốc gia thân Mỹ đang nhân cơ hội này để điều chỉnh cục diện chiến lược, đặc biệt là khi phải đối mặt với những quốc gia “mới nổi” mà đại diện là Nga, Trung Quốc và Iran.

Trên thực tế, đã xuất hiện hiện tượng nhiều đồng minh của Mỹ bắt đầu đẩy mạnh tăng cường quân bị, tuy nhiên điều này lại chưa được “Chú Sam” chú ý đúng mức. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm qua thì 5 quốc gia là đồng minh của Mỹ. Ví dụ như: Singapore bắt đầu mua tên lửa, Saudi Arabia mua 84 chiếc F-15…

Tàu chiến Mỹ và đồng minh trong diễn tập IMCMEX 12, tháng 9-2012

Các quốc gia xung quanh Vịnh Ba Tư cũng ồ ạt gia tăng ngân sách quốc phòng. Đáng nói hơn, tuy là 1 thành viên NATO, nằm trong cái ô bảo hộ của Mỹ và NATO nhưng Ba Lan vẫn phải chi đậm để sắm thêm đủ loại trang bị, vũ khí khác nhau, từ tên lửa chống hạm, máy bay không người lái cho đến các hệ thống phòng không thế hệ mới nhất. Nhật Bản thì không mua nhưng cũng đang tự lực phát triển rất nhiều vũ khí mới.

Đáng ngại hơn là tuy đã mua sắm thêm nhiều vũ khí, trang bị nhưng các “đồng minh nhỏ bé” này của Washington vẫn phải chạy đông, chạy tây đi tìm “trợ thủ mới”. Ở châu Á, 3 đồng minh lâu năm, là đối tác hợp tác quân sự song phương của Mỹ, bao gồm: Nhật Bản, Philippines và Singapore đang phải thảo luận một hiệp định an ninh mới để ngăn chặn Trung Quốc.
Còn tại Trung Đông, các quốc gia ven Vịnh Ba Tư cũng đang phải tăng cường hợp tác, tự đổ tiền mua sắm vũ khí, trang bị để kìm chế Iran. Ngoảnh sang châu Âu, suốt từ Đông Âu cho đến Trung Âu, rất nhiều quốc gia thuộc phạm vi che chở của tổ chức hợp tác quân sự lớn nhất thế giới là NATO vẫn đang phải gồng mình để ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Đây là vấn đề hoàn toàn không phải là bất ngờ, trong lịch sử, các đồng minh của Mỹ đã nhiều lần phải làm như thế. Những động thái này cũng chứng tỏ một điều, những đồng minh tuyến 1 của Hoa Kỳ đã bắt đầu đánh mất lòng tin vào “người bảo hộ”. Nguyên nhân một phần xuất phát từ chính sách của Washington mấy năm gần đây nghiêng về hướng xử lý hài hòa mối quan hệ với các cường quốc, dẫn đến những rạn nứt trong quan hệ với các đồng minh khác.

Mỹ thường xuyên duy trì một biên đội tàu sân bay tại vùng Vịnh vẫn không đủ 
để trấn an đồng minh về nguy cơ từ Iran

Hơn nữa, vài năm trở lại đây, ngân sách quốc phòng của Mỹ có xu hướng giảm làm họ phải thu hẹp quy mô các quân binh chủng, các hoạt động hỗ trợ đồng minh cũng thưa thớt. Trong khi đó Nga, Trung Quốc và Iran đang ngày càng có những bước tiến mạnh bạo, dẫn đến một số đồng minh của Mỹ phải tìm cách liên hiệp lại, số khác thì tự chọn cho mình con bài “hai mặt”.

Kết cục này tất nhiên không làm Hoa Kỳ hài lòng. Xét dưới góc độ chiến lược, những đồng minh này có vai trò cực kỳ quan trọng, có thể giúp đỡ họ trong ổn định an ninh toàn cầu, hóa giải các xung đột khu vực lớn. Trên lĩnh vực kinh tế, họ đều nằm ở các khu vực yết hầu của kinh tế thế giới, ví dụ như eo biển Malacca, eo biển Hormuz, vùng Baltic…, đảm bảo thông suốt các tuyến thương mại và huyết mạch năng lượng của Mỹ.
Wall Street Journal chỉ ra, chưa bao giờ Mỹ cần có các đồng minh này như hiện nay. Để bảo đảm cho những “bạn bè” yên tâm phát triển phồn vinh trong thế kỷ 21, điều đầu tiên mà Mỹ cần làm là phải điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, khôi phục và đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia thân Mỹ, tăng cường sử dụng và sử dụng tốt hơn các nước này trong chiến lược toàn cầu của mình.

Vấn đề thứ 2 là Bộ Quốc phòng Mỹ cần nghiên cứu và tìm ra biện pháp bảo đảm cơ cấu quân lực và chính sách quốc phòng của Mỹ phải đồng bộ với các quốc gia đồng minh. Tiếp theo, Chính phủ Mỹ còn phải củng cố và nâng cao quan hệ hợp tác, giao dich thương mại quốc phòng với các nước đồng minh, đảm bảo họ có thể vững vàng dưới cái ô của Mỹ mà không cần tìm thêm “trợ thủ”.