Mưu sinh nhọc nhằn của ca sỹ quán bar

ANTĐ - Cũng tùy vào độ “hot” của từng tụ điểm vui chơi, giải trí… mà đẳng cấp tự nhiên theo đó được vạch ra cho mỗi ca sĩ quán bar.

Có trong tay cái nghề mà xưa các cụ gọi là “xướng ca vô loài”, nhiều người hiện nay đang hàng ngày “hái ra tiền” với những show diễn mà tiền cát-xê cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, không phải tất cả ai trong số những ca sỹ đều có thể hoặc có cơ hội để được trở thành người của công chúng rộng rãi. Và với họ, cuộc sống mưu sinh lại bắt đầu ở những nơi mà “đêm đêm phòng trà, mang tiếng hát cho người đời, bỏ tiền mua vui…” Và câu chuyện mưu sinh của họ cũng lắm nhọc nhằn.

Độ “hot” không phụ thuộc vào bằng cấp

Cho dù có được đào tạo chính quy hay tài năng thiên bẩm, đã vào đến chốn này, bằng cấp gần như không còn giá trị, có chăng nó chỉ như một thứ đồ trang điểm cho các ca sỹ quán bar. Mà trên thực tế thì cũng không phải ai cũng cần điều đó.

Không ít trong số họ là những người được học hành bài bản tại các trường chuyên nghiệp, ban ngày là những nhân viên mẫn cán ở các nhà văn hóa, đoàn văn công hoặc làm công tác giảng dạy tại các trường nghệ thuật nhưng đến buổi tối sẽ đi làm thêm ở các tụ điểm ca nhạc của Hà thành. Số còn lại là lớp ca sỹ tự do (nghiệp dư), phần lớn là sinh viên các trường đại học và những người yêu âm nhạc, có chút ít năng khiếu ca hát cũng như kiến thức về nhạc lý. Dù hát ở các tụ điểm cao cấp hay bình dân thì với các ca sỹ quán bar đều nhằm mục đích kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống, thậm chí không ít người chọn nghề này để mưu sinh, nuôi sống cả gia đình.

"Đêm đêm phòng trà, mang tiếng hát cho người đời, bỏ tiền mua vui, hỏi rằng anh ơi, còn yêu em nữa không...." (Ảnh minh họa) 

 "Đêm đêm phòng trà, mang tiếng hát cho người đời, bỏ tiền mua vui,
hỏi rằng anh ơi, còn yêu em nữa không...." (Ảnh minh họa)

Họ có trong tay bằng cấp, nhưng đôi khi, số tiền mà họ kiếm được sau một đêm diễn miệt mài cũng chưa bằng cái “vẩy tay” của các đại gia cho những “cô đào” có nhiều “tài lẻ” bên cạnh năng khiếu hát ca của mình.

Cũng tùy vào độ “hot” của từng tụ điểm vui chơi, giải trí… mà đẳng cấp cũng tự nhiên theo đó được vạch ra cho mỗi ca sỹ quán bar. Đối với những tụ điểm lớn thường là các khách sạn sang trọng như: Fotuna, Daiwoo, Sofitel… thì ca sỹ thường hoạt động trong một Band cố định (đủ cả cây chơi live bao gồm: 1 bass, 1 guitar, 1drum, 2 keyboard) còn ở các tụ điểm bình dân hơn thì ca sỹ chỉ được “hỗ trợ” bởi 1 keyboad, 1 guitar. Thường hình thức này phổ biến ở những tụ điểm nhỏ hay quán bar sinh viên.

Nhọc nhằn đường mưu sinh

Một buổi tối thường có từ 2 - 3 ca sỹ hát chính nên việc chạy sô từ tụ điểm này sang tụ điểm khác là “việc thường ngày ở huyện” của các ca sỹ nhưng không phải ai cũng có được tầm ảnh hưởng rộng như thế bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giọng hát tốt, lối trình diễn lôi cuốn, mối quan hệ khá “ổn” với chủ các phòng trà…

Khi được hỏi về thu nhập mỗi đêm, Hoài An, ca sỹ của khách sạn T.L (Nghi Tàm - Tây Hồ) cho biết: Nếu chạy sô được từ 2 - 3 nơi mỗi tối ở những tụ điểm có tiếng thì thu nhập rơi vào khoảng  400 - 600 nghìn đồng /đêm còn đối với ca sỹ “bình dân” tại các tụ điểm ca nhạc sinh viên thì khoảng 120 - 170 nghìn đồng một đêm.

Hoài An cũng cho biết thêm: Ở Hà Nội không phổ biến hình thức “boa” thêm cho ca sỹ mà dân trong nghề quen gọi đó là “tiền tips” hoặc nếu có thì cũng chỉ ở những khách sạn lớn, khách lui tới thường là những người có thu nhập cao hoặc khách nước ngoài và mức phổ biến là 100 - 200 nghìn đồng. Số tiền này bọn mình thường góp vào quỹ chung của cả ban nhạc.

Vào những dịp cuối tuần, ngày lễ một số quán bar thường mời thêm một vài ca sỹ nổi tiếng làm chiêu hút khách. “Những hôm như thế thì việc vai trò ca sỹ “quen thuộc” của quán phút chốc bị lu mờ và trở thành người hát lót cho các “sao” những khi họ thay đồ là không tránh khỏi, nhiều khi cũng ức chế lắm”, Thanh Thảo, một đồng nghiệp của Hoài An, ngậm ngùi cho biết.

Việc nhận các sô hát tiệc (tiệc cưới, tiệc trà…) cũng là một hình thức kiếm thêm thu nhập. Thường ca sỹ “bình dân” nhận các sô có phần xô bồ, ít kén chọn hơn so với các band chuyên nghiệp, thù lao cũng vì thế mà cũng bèo bọt (khoảng 60 - 150 nghìn đồng/sô tùy theo số bài) chưa kể đến việc phải để lại hoa hồng cho người giới thiệu. Tuyết Ngọc, một ca sỹ chuyên hát nhạc dân ca cho các tiệc cưới tâm sự: Hồi mới vào nghề, thấy người ta ăn uống, cười nói bên dưới mình cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm nhưng mãi rồi cũng thành quen. Chỉ ngại nhất có những người bia rượu quá chén chạy lên sân khấu giật mic để “thử làm ca sỹ” khiến ca sỹ thật không ít phen hết hồn hết vía.

 

Và những “nỗi oan” chỉ trong nghề mới hiểu

Do tính chất công việc thường bắt đầu muộn và kết thúc muộn, sau giờ diễn họ thường nán lại ngồi với nhau ở các quán ăn đêm và tán đủ mọi chuyện trên trời dưới biển nên về được đến nhà sớm thì cũng đã nửa đêm, muộn thì 2, 3 giờ sáng. Sự ấy cũng là thường đối với những người chưa lập gia đình nhưng đối với những ca sỹ đặc biệt là phái nữ thì việc thường xuyên đi đêm về hôm cũng gây không ít những phiền toái.

Hoài An kể, có một lần gặp vị khách nước ngoài uống quá chén, nhất định chờ gặp bằng được để rủ cô đi “vui vẻ”. Mặc dù đã quá nửa đêm nhưng không nỡ để mặc vị “thượng đế” đang say mềm nên cô phải nhờ mấy anh bảo vệ gọi taxi đưa ông ta về khách sạn rồi mới về nhà. Hôm sau gặp lại vị khách cảm ơn rối rít và không ngớt xin lỗi về những hành động không kiểm soát được trong lúc say.

“Làm ở môi trường phức tạp như thế này mình phải bản lĩnh thì mới không sa ngã hay làm mất lòng khách, bởi khi chủ quán nhận được những phản ánh không hay đồng nghĩa với việc mình sẽ không còn chỗ làm nữa”, Hoài An bộc bạch.

Cũng thường xuyên đi hát ở những quán bar lớn, thu nhập cũng không đến nỗi nào, nhưng hạnh phúc không mỉm cười với Thanh Thảo khi người chồng không chia sẻ với cô. “Chồng mình làm xây dựng, không liên quan đến nghệ thuật nên việc không thông cảm được với tính chất trong công việc của mình cũng đúng thôi…”, Thanh Thảo cười buồn.

Trường hợp Thu Thuỳ lại khác, quay cuồng với công việc để mưu sinh nên cô không còn thời gian để tìm hiểu bạn khác giới. Đặc biệt là vào dịp ngày lễ ngày tết thì thời gian dành cho riêng mình hầu như không có vì bận… “chạy sô”. Thu Thuỳ thổ lộ: Nhiều đêm đi diễn về mệt nhoài, nghĩ đến cảnh một mình cô độc trong căn phòng trọ mình lại thấy buồn tê tái.

Không phủ nhận ca sỹ là những người có đóng góp không nhỏ vào sự thành công của bài hát, của đêm diễn nhưng thực tế với thu nhập bấp bênh cùng với việc “đối xử thiếu công bằng” của một bộ phận khán giả khiến không ít ca sỹ chạnh lòng. Đâu đây ở các quán bar khắp Hà thành những ca sỹ vô danh vẫn say sưa ánh đèn sân khấu hàng đêm, bởi ở đó họ tìm thấy những giây phút “phiêu” đầy ngẫu hứng để sân khấu có “lửa” hơn, sống động hơn một cách thực sự.