Muốn xác định tài sản riêng, vợ, chồng phải chứng minh nguồn gốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bố mẹ anh Hải cho anh mảnh đất hơn 700m2 nhưng chưa được cấp “sổ đỏ”. Sau khi lấy vợ, anh Hải kê khai và được Nhà nước cấp “sổ đỏ” đứng tên anh với nguồn gốc đất ghi: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Mới đây, vợ chồng anh Hải ly hôn và được tòa án ra quyết định thuận tình ly hôn, hai người không có con chung. Đối với mảnh đất trên và các tài sản liên quan, do vợ anh Hải không đề nghị nên Tòa án không giải quyết... Nay tôi muốn mua mảnh đất nêu trên của anh Hải nhưng Phòng công chứng nói: Bắt buộc phải có chữ ký đồng thuận của vợ cũ anh này thì mới giao dịch được. Xin hỏi luật sư, việc đó có đúng không và làm thế nào để tôi và anh Hải tiến hành mua bán đất mà không cần có sự tham gia của vợ cũ anh ấy? Trịnh Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Do câu hỏi của bạn thiếu thông tin về nguồn gốc tài sản và sự thỏa thuận, sáp nhập tài sản như thế nào, tài sản hiện tại là tài sản chung hay tài sản riêng. Tuy nhiên, với những thông tin mà bạn đưa ra, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm của mình để bạn tham khảo.

Theo quy định tại Điều 33 - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vấn đề tài sản của vợ, chồng được xác định như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. Theo quy định này thì tài sản vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân được cho là tài sản chung của vợ, chồng. Trường hợp muốn xác định tài sản là tài sản riêng thì phải chứng minh.

Đối với tài sản riêng của vợ, chồng, Điều 43 - Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thuộc tài sản riêng nếu chỉ có tên 1 chủ sở hữu (Ảnh minh họa)

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thuộc tài sản riêng nếu chỉ có tên 1 chủ sở hữu (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung, pháp luật cũng đã quy định. Cụ thể là: “Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Với các quy định như trên thì anh Hải được bố mẹ cho mảnh đất hơn 700m2 chưa được cấp “sổ đỏ” trước khi kết hôn. Sau khi lấy vợ, anh Hải kê khai và được Nhà nước cấp “sổ đỏ” đứng tên anh. Như vậy, tài sản của anh Hải được bố mẹ cho riêng, nhưng khi kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mà anh Hải kê khai cả tên vợ thì tài sản này có thể được chuyển từ tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng hoặc giữa anh Hải và vợ cũ có thỏa thuận sáp nhập tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp anh Hải chỉ kê khai tên anh ấy và không có thỏa thuận nào khác thì mảnh đất hơn 700m2 vẫn thuộc tài sản riêng của anh Hải.

Khi giao dịch chuyển nhượng, Phòng công chứng nói: Bắt buộc phải có chữ ký đồng thuận của vợ cũ anh Hải thì mới giao dịch được là vì trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tuy không ghi tên vợ nhưng thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại trong thời kỳ hôn nhân. Mặt khác, trong thời kỳ hôn nhân vợ anh Hải có thể cũng có công đóng góp tôn tạo, cải tạo đất hoặc có công sức đóng góp khác để làm tăng giá trị quyền sử dụng đất thì vợ cũ anh này vẫn có quyền lợi đối với tài sản. Do đó, khi ký kết, giao dịch chuyển nhượng đất, việc có ý kiến của vợ cũ anh Hải là cần thiết để làm rõ quyền lợi của người phụ nữ này như thế nào.

Nếu bạn và anh Hải tiến hành mua bán đất mà không muốn có sự tham gia của vợ cũ anh Hải thì vợ cũ của anh Hải phải có xác nhận hơn 700m2 đất nêu trên là tài sản riêng của anh Hải hoặc vợ cũ anh Hải ủy quyền toàn bộ cho anh này quyết định đối với tài sản giao dịch.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.