Muôn vàn kiểu chống nóng, "chạy" nắng ở Hà Nội xưa

ANTD.VN - Người ta thường nói khí hậu miền Bắc gọi là bốn mùa nhưng theo tiết mùa thực chất chỉ có hai mùa là mùa đông và mùa hè. Mùa xuân chính là giai đoạn cuối mùa đông và mùa thu là giai đoạn cuối của mùa hè rồi chuyển qua mùa tiếp theo. 

Muôn vàn kiểu chống nóng, "chạy" nắng ở Hà Nội  xưa ảnh 1

Khí hậu miền Bắc nói chung diễn biến theo quy luật nhưng có năm, có thời điểm thất thường, bất tuân quy luật. Có mùa đông dù áo đơn áo kép vẫn tê tái, lạnh buốt, mong được ngồi gần bếp lửa. Có thời điểm  mùa hè mặt trời gay gắt đổ lửa, đứng trong bóng râm mồ hôi vẫn sũng áo. Thế nhưng trong cái khắc nghiệt của thời tiết, người Hà Nội xưa - nay luôn  tìm cách  chống lại  cái nắng, cái nóng bằng nhiều cách.

Xưa ở các vùng quê người ta thường lợp nhà bằng rạ, lá mía, lá gồi... những vật liệu dân dã này tuy không sang, thời gian tồn tại không dài  nhưng bù lại, mùa đông ấm và mùa hè thì mát. Nhưng Thăng Long - Hà Nội  thì không thể  lợp bằng vật liệu này. Thực  tế ở thành phố từng xảy ra nhiều vụ cháy kinh hoàng thiêu rụi cả dãy phố, nhiều nhà từ giàu có thành trắng tay chỉ trong vài chục phút. Vì thế nhà dân nào cũng phải có sẵn vại nước dập lửa và để sẵn câu liêm trong nhà.

Cuối thế kỷ XIX, chính quyền thành phố đã phải ra lệnh cấm dân lợp lá. Gia đình có điều kiện lợp nhà bằng ngói. Loại ngói mỏng bản hình vẩy cá xếp chồng lên nhau không chỉ chống được cái nóng mà còn thể hiện đẳng cấp của họ trong xã hội, làm sang phố phường. 

Không chỉ chống cái nắng, cái nóng ở căn nhà mình, dân chúng Thăng Long - Hà Nội cũng tìm ra những loại vải thích hợp và các kiểu may thích hợp. Mùa  hè ở nông thôn, con gái có thể mặc yếm, mặc váy cộc cho mát mà dân làng không phàn nàn gì thì ở Thăng Long - Hà Nội mà ăn vận như thế thì kiểu gì cũng bị  hàng phố bóng gió, mỉa mai.

Thế  nên các bà, các cô khi ra phố bên trong là  yếm bên ngoài bao giờ cũng khoác  thêm cái áo năm thân, mặc váy lĩnh và  đầu đội nón ba tầm. Ăn mặc kiểu “kín cổng cao tường”, tưởng nóng nhưng hóa mát vì tơ tằm là chất  liệu mát.

Nhiều thế kỷ, mùa hè dân Thăng Long - Hà Nội đi đâu cũng mang theo cái quạt giấy, ngồi là phe phẩy và có khi vừa đi vừa phe phẩy.

Cũng thời xưa, khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội, họ đã thiết kế những ngôi nhà có hành lang và cửa sổ để tạo ra sự đối lưu không khí. Họ trát trần nhà bằng vôi trộn với rơm. Kiểu nhà và loại vật liệu dễ kiếm, lại rẻ nên được tầng lớp giàu có người Việt làm theo. Lối kiến trúc này khiến người ta đang đi ngoài phố bước vào trong nhà chợt có ngay cảm giác mát mẻ, dễ chịu.

Nhiều thế kỷ, mùa hè dân Thăng Long - Hà Nội đi đâu cũng mang theo cái quạt giấy, ngồi là phe phẩy và có khi vừa đi vừa phe phẩy. Thập niên 20, thế kỷ XX, nhiều rạp hát ở Hà Nội phải trang bị loại “quạt trần bằng nan” và thuê người kéo vào mùa  hè. Quạt được đan bằng nứa hay tre dài hơn một mét, rộng chừng 70, 80cm  buộc trên trần để người đứng dưới cầm dây thừng kéo qua kéo lại tạo ra gió.

Từ cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đã có điện nhưng công suất Nhà máy  điện Bờ Hồ chỉ đủ thắp đèn cho các công sở quanh khu vực hồ Gươm. Đô thị hóa diễn ra nhanh hơn thì nhà xây nhiều hơn và đường  phố được rải nhựa khiến nhiệt độ ở Hà Nội cao hơn. 

Để chống cái nóng, tối mùa hè những năm 1920, người Pháp phải lên đường Cổ Ngư hóng mát. Họ ngồi dọc hai bên hồ Tây và Trúc Bạch chờ cho thời tiết dịu xuống mới về nhà. Năm 1925, Nhà  máy điện Yên  Phụ phát điện với công suất lớn hơn thừa cung cấp cho Hà Nội thì quạt trần xuất hiện.

Muôn vàn kiểu chống nóng, "chạy" nắng ở Hà Nội  xưa ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhiều gia đình có điều kiện lập tức sắm quạt. Đây là bước ngoặt trong sự phát triển của đô thị Hà Nội, đồng thời cũng tạo ra kiểu chống nóng mới mát hơn, tiện hơn và không mất sức. Đầu thập niên 1940, quạt bàn chạy điện Mitsubishi có bán ở Hà Nội đã dẫn đến cơn sốt phương tiện chống nóng này. Cùng với quạt trần, sự xuất hiện quạt bàn đã cải thiện đáng kể giúp người Hà Nội chống lại cái oi bức nóng nực rất hiệu quả.        

Năm 1973, mới đầu tháng 5 nhưng trời đã ngột ngạt, hồi đó  học sinh đến trường chủ yếu  đi tàu điện và  cuốc bộ, xe đạp thì rất hiếm. Năm đó nóng đến mức có học sinh đến được lớp thì bị ngất. Để tránh nắng và nóng cho học sinh, Sở Giáo dục Hà Nội đã cho học sinh nghỉ học 4 ngày đồng thời  bán cho mỗi học sinh nửa cân đường kèm theo khuyến nghị: pha nước chanh.

Tuy nhiên vì đá rất hiếm nên muốn nước chanh lạnh thì chỉ có cách sáng ra thả chai nước xuống giếng thơi, chiều kéo lên chai nước cũng hơi lành lạnh. Nhưng chỉ nhà có giếng mới chống nóng kiểu này. Mùa hè là mùa thi với học sinh THPT. Thi tốt nghiệp sau đó thi đại học.

Trời nóng bức, điện lại thiếu nghiêm trọng, bóng đèn sáng không đủ nhìn rõ mặt nhau, quạt không thể quay nổi nên học sinh chỉ còn cách mang sách ra ngồi học dưới bóng đèn công cộng. Năm 1975 Lăng Chủ tịch Hồ Chí  Minh khánh thành, ở khu vực này có đèn sáng nên học sinh kéo nhau ra đây ôn thi đông vô kể. Cũng thời  bao cấp,  những tối mất điện, bà con quanh khu vực hồ Gươm vác chiếu ra hồ ngủ đông như hội.

Bây giờ dân Hà Nội không còn sợ cái nóng, có sợ là sợ mất điện vì các kiểu điều hòa, các kiểu quạt quá sẵn và giá cả không đắt. Còn chống nắng thì lại giống con gái Hà Nội xưa, kín mít nhưng chỉ khác kiểu. Tuy nhiên, các nhà  tạo mốt thời trang Việt chỉ lao vào thiết kế những thứ trên trời, dường như họ không thèm hoặc không thể sáng tạo nổi bộ quần áo chống nắng có tính thẩm mỹ cao?