Muốn tinh giản biên chế, phải quy trách nhiệm người đứng đầu

ANTĐ - Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2021 phải tinh giản được tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được hiệu quả như mong muốn, quá trình tổ chức triển khai cần sự quyết tâm rất lớn.

Muốn tinh giản biên chế, phải quy trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1Bộ máy hành chính cần tiếp tục tinh giản để nâng cao hiệu quả hoạt động (ảnh minh họa)

Trước mắt cần cơ cấu lại tổ chức

Trong khoảng 10 năm qua, chúng ta đã trải qua 3 lần tinh giản biên chế nhưng thực tế chưa tạo được nhiều chuyển biến. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương  cho rằng, toàn hệ thống chính trị phải cùng quyết tâm thì mới có thể thực hiện được mục tiêu về tinh giản biên chế. Ông Nguyễn Đình Hương phân tích: “Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cách triển khai. Có nơi thực hiện nghiêm túc nhưng nhiều nơi chưa nghiêm túc, nơi làm nơi không thì không bao giờ có thể đạt được mục tiêu đề ra”.

“Hiện nay, bộ máy của ta còn cồng kềnh, đội ngũ công chức, viên chức phình to nên phải tinh giản bởi ngân sách Nhà nước không thể gánh được, càng không thể có nguồn lực để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Chưa kể hiện có không ít cán bộ, công chức ăn lương Nhà nước nhưng không làm được việc. Đã tuyển cán bộ ăn lương ngân sách phải có tiêu chuẩn rất chặt chẽ và nghiêm túc. Kiên quyết loại bỏ những thành phần công chức, viên chức không đủ năng lực, tiêu chuẩn” - ông Nguyễn Đình Hương nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tổ chức, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, muốn tinh giản biên chế thì trước mắt phải cơ cấu lại tổ chức, bộ máy. “Cần phải rà soát lại bộ máy hiện nay, tổ chức nào cần thiết thì giữ lại, tổ chức nào không cần thiết thì phải bỏ đi. Đồng thời, phải nghiêm túc xem xét việc giảm cấp phó ở các cơ quan, đơn vị bởi thực tế hiện nhiều bộ, ngành có quá nhiều cấp phó…” - ông Nguyễn Đình Hương nói.

Quy rõ trách nhiệm

Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh, tinh giản biên chế là nhiệm vụ khó. “Vướng mắc lớn nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Muốn thực hiện hiệu quả thì nhất thiết phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị”.

“Trong quá trình triển khai, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sẽ phải rà soát lại biên chế ở đơn vị mình, xem bộ phận nào, cá nhân nào cần tinh giản, phương án tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ra sao? Dù chọn phương án nào thì người đứng đầu đơn vị sẽ quyết định nên nếu tinh giản biên chế không đúng, không phù hợp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý. Nếu cứ quy trách nhiệm chung chung thì rất khó thực hiện được. Điều quan trọng nữa là việc cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế phải được thực hiện một cách khách quan, đảm bảo công bằng để lựa chọn ra những người có năng lực thực sự. Muốn vậy, phải có tiêu chí, tiêu chuẩn để bình bầu, đánh giá nghiêm túc, dựa trên sản phẩm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ” - bà Bùi Thị An nói. 

Một vấn đề nữa đặt ra là khi tinh giản biên chế, những người hiện đang là biên chế công chức, viên chức Nhà nước nhưng không đáp ứng được năng lực, phẩm chất sẽ được cơ cấu lại như thế nào. Bà Bùi Thị An cho rằng, cần có lộ trình và một giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, công chức sắp đến tuổi hưu thì có thể cho họ về hưu sớm, người còn trẻ thì tạo điều kiện đào tạo thêm để đáp ứng được nhiệm vụ...  

Mạnh dạn thay đổi bộ máy nếu trì trệ

Cũng liên quan đến tinh giản biên chế, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, nếu chúng ta không đổi mới cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương thì không thể nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, nâng lương và chống được tình trạng nhũng nhiễu. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, qua rà soát bộ máy và các tổ chức ở địa phương, phát hiện nhiều chồng chéo, trùng lặp. Điều này khiến cho số lượng người hưởng lương ngân sách ngày càng tăng, trong khi bộ máy trì trệ, kém hiệu lực, hiệu quả.