Muốn kinh tế cất cánh trong 10 năm tới, Việt Nam phải thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - "SARS-CoV-2 và các biến thể của nó có thể làm phá sản mọi dự tính, tham vọng của các nước tiên tiến nhất. Nhưng cũng có thể đưa một quốc gia đang phát triển vươn lên, đuổi kịp các nước phát triển nếu có chiến lược khôn ngoan", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Chiều 3-11, tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng nếu muốn kinh tế Việt Nam cất cánh trong 10 năm tới cần thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình, trong đó 5 năm tới là giai đoạn quyết định.

Để đạt các cột mốc phát triển phải giải quyết một loạt bài toán trong bối cảnh tình trạng bình thường mới diễn ra trên toàn cầu.

“SARS-CoV-2 và các biến thể của nó có thể làm phá sản mọi dự tính, tham vọng của các nước tiên tiến nhất. Nhưng cũng có thể đưa một quốc gia đang phát triển vươn lên, đuổi kịp các nước phát triển nếu có chiến lược khôn ngoan, có bộ máy lãnh đạo năng lực, liêm khiết và biết cách huy động được trí tuệ, tâm huyết nhân dân”, ông Nghĩa nói và đề nghị bổ sung vào phương châm phát triển là “nhanh, bền vững và tự chủ”.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo 3 kịch bản: hết dịch, dịch vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như hiện nay và dịch bùng phát lớn lớn, để các bộ, ngành, địa phương đưa ra kế hoạch phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra.

Để giúp các doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, việc hỗ trợ trước mắt chỉ mang tính tình thế, còn về lâu dài nên có chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp…

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)

“Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì sang năm 2021 không những không giúp giảm khó khăn mà còn kìm hãm sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, gây khó khăn cho kế hoạch phát triển doanh nghiệp”, ông Thưởng cảnh báo.

Vị đại biểu đoàn Phú Thọ cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và xât dựng cơ chế để khu vực doanh nghiệp nhà nước phát huy đúng vai trò “đầu tầu”. Bởi theo ông, thời gian qua doanh nghiệp nhà nước như những “diễn viên ít xuất hiện trên sân khấu kinh tế Việt Nam”.

“Phải để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, lấy lợi nhuận là tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hiệu quả. Để làm được điều này cần tập trung sửa đổi pháp luật, thay thế hàng chục nghị định, cơ cấu lại danh mục đầu tư, tài sản để doanh nghiệp nhà nước thực sự là “quả đấm thép” của nền kinh tế trong thời gian tới”, ông Thưởng nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhắc lại những điểm sáng của Việt Nam trong giai đoạn thế giới chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đồng thời chỉ ra nhiều điểm chưa thể hài lòng với “bức tranh kinh tế”.

“Chính phủ cần có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, nhằm đạt mục tiêu có ít nhất 1.5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu vào năm 2025. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý, chính sách thúc đẩy sự minh bạch hoá và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể, đừng để nhóm đối tượng này ở lại phía sau”, ông Lộc kiến nghị.