Muốn gỡ khó không dễ

ANTĐ - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng, hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản; đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc, phân tích, làm rõ thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong báo cáo công bố tại cuộc hội thảo “Xu hướng việc làm tại Việt Nam”, lao động nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề và vị trí công việc. Hiện trạng tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,6%, nhưng số người thất nghiệp lại chủ yếu sống ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn chỉ là 2,1%, trong khi ở thành thị lên tới 4,1%. Đáng lo ngại là, tình trạng thất nghiệp phần lớn rơi vào lao động trẻ, chiếm hơn 7% đối tượng lao động sung sức trong đội quân lao động. Trong lực lượng lao động trẻ thất nghiệp, tỷ lệ lao động nữ lên tới 9%, cao hơn so với tỷ lệ nam giới là 6,3%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin, thị trường lao động nước ta đang chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế theo hướng công nghiệp dịch vụ cùng với quá trình đô thị hóa, vì thế việc làm trong ngành nông nghiệp giảm sút. Mặc dù lực lượng lao động vẫn còn tập trung đông đúc trong nông nghiệp, nhưng hầu hết lao động đều thuộc nhóm “có nghề mà không có tay nghề” lên tới 16,3 triệu người. Đặc biệt, đội quân lao động “không có tay nghề” trong ngành công nghiệp cũng lên đến 1,7 triệu người, chiếm 15,6% tổng số việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng.

Chưa có số liệu thống kê số lượng người lao động mất việc làm trong hơn 50.000 doanh nghiệp đã giải thể, song chắc chắn sẽ chỉ rơi vào những lao động không có nghề. Họ dễ bị mất công ăn, việc làm nhất và cũng khó xoay xở kiếm kế sinh nhai, trong tình thế “đường cùng” này. Đây không chỉ là gánh nặng đối với các doanh nghiệp đã giải thể, mà còn là sức ép rất lớn lên toàn xã hội để đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Gia tăng thất nghiệp trong giới trẻ không chỉ là cảnh báo về tình trạng bất ổn về nguồn lực lao động đối với kinh tế vĩ mô, mà còn là thách thức lớn của hệ thống giáo dục - đào tạo, dạy nghề đã tồn tại từ bao năm này.

Tạm để sang một bên vấn đề lao động thất nghiệp trong 5 vạn doanh nghiệp đã bị “xóa xổ”, vậy “số phận” các doanh nghiệp đang gắng sức cầm cự để tồn tại thì sao? Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, mặc dù lãi suất huy động giảm xuống 1%, song lãi suất đi vay 17-18% vẫn là quá cao đối với doanh nghiệp. Đại bộ phận doanh nghiệp đều “đói” vốn và đều trông mong vào vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Ai cũng phải tính toán đến khả năng trả nợ, nếu vay bằng mọi giá thì rủi ro là cầm chắc.

Trong khi đó, thị trường liên ngân hàng lãi suất khá “yên tĩnh”, ở bên ngoài, nguồn vốn huy động từ dân cư vẫn “phá rào” ào ào với tình trạng “đi đêm” lại tái diễn. Lãi suất tiền gửi VNĐ từ 1 tháng trở lên có thể lách bằng chiêu thưởng lãi suất, quà khuyến mãi. Một quan chức Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thị trường ngân hàng phát triển quá “nóng” và bây giờ phải trả giá. Ngân hàng Nhà nước đang “đeo bám” rất sát việc điều tiết vốn giữa các ngân hàng và từng bước giải quyết dứt điểm chuyện thanh khoản.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thực sự là việc không dễ khi vẫn còn tình trạng “đi đêm” lãi suất, doanh nghiệp khó vay vốn. Chỉ có những gói lãi suất “mềm” chủ yếu dành cho khách hàng “ruột” lâu năm.