Muốn được… cất cánh

ANTĐ - Sau một loạt “hội chứng” chạy đua theo “kinh tế phong trào” ở các địa phương trong cả nước, đang diễn ra một “làn sóng” đầu tư xây dựng sân bay. Một cuộc “chạy đua” sân bay giữa các tỉnh, thành. “Hội chứng” sân bay đã được một quan chức Cục Hàng không Việt Nam nhận xét, không ít lãnh đạo tỉnh tin rằng kinh tế của địa phương sẽ “cất cánh” nếu có sân bay dân dụng. Ai cũng muốn được cất cánh bay lên nhưng liệu kinh tế có đủ sức nhấc mình lên nổi?
Khởi đầu từ “phong trào” chạy đua xây dựng nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng, tiếp đến cuộc chạy đua tốc độ sân golf, cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu… bây giờ lại đến “hội chứng” sân bay. Hiện cả nước đang khai thác 22 cảng hàng không, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng 26 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.

Vậy mà vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải lại công bố quy hoạch một loạt sân bay như Thanh Hóa, Kon Tum, Long An. Gần đây, tỉnh An Giang cũng công bố phê duyệt quy hoạch sân bay An Giang. Theo kế hoạch năm 2011, Cục Hàng không Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch sân bay Phan Thiết. Quy hoạch các sân bay Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị… sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Điều đáng nói là các sân bay này không nằm trong danh mục 26 sân bay đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Có thể nói, hầu như mỗi tỉnh có một sân bay riêng. Tức là trong tương lai, nói không quá lời, quan chức, cán bộ, doanh nghiệp và người dân đi công tác, làm ăn, thăm viếng từ tỉnh này sang tỉnh khác, khỏi cần ô tô, xe máy, chỉ việc “cưỡi” máy bay. Cứ cho rằng “giấc mơ” cất cánh hoành tráng đó trở thành hiện thực, thì viễn cảnh sẽ như thế nào? Nếu có thêm sân bay An Giang, cũng chỉ cách hai sân bay đang hoạt động là Cần Thơ và Rạch Giá chừng 60km.

Tương tự, nếu xây thêm sân bay ở Kon Tum thì cũng chỉ cách sân bay Pleiku vào khoảng 40km vẫn đang hoạt động không hết công suất. Quy hoạch là công việc tính toán cho tương lai, vì thế phải có tầm nhìn dài hạn tới “chân trời”, để việc đầu tư, xây dựng không cản trở sự phát triển trong tương lai, mà trái lại phải tạo đà “cất cánh” cho nền kinh tế. Quy hoạch với tầm nhìn hạn hẹp kiểu “bóc ngắn cắn dài” sẽ để lại hậu quả nặng nề. Hậu quả từ những “hội chứng” kể trên đã để lại những hậu quả nhãn tiền với số tiền đầu tư lớn, lãng phí, mà còn để lại những hệ lụy khó lường.

Xây một sân bay là phải đổ ra hàng nghìn tỷ đồng, dành ra vài trăm hécta đất, đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân vì mất đất. Đơn cử chi phí xây dựng sân bay An Giang sẽ tốn 3.417 tỷ đồng và lấy mất 235ha đất lúa 3 vụ, sân bay Kon Tum tốn hơn 1.543 tỷ đồng và 162ha; sân bay Thanh Hóa tốn hơn 2.614 tỷ đồng và 117ha đất. Trong khi đó, theo ngành hàng không nhiều sân bay địa phương đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước rất tốn kém nhưng khai thác hiệu quả quá thấp như sân bay Chu Lai, Cà Mau, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phù Cát…

Bao nhiêu “làn sóng” đầu tư chạy theo phong trào có phải là cơ hội để kinh tế phát triển, là nhu cầu đích thực hay chỉ là “hội chứng” thích hoành tráng, khoe khoang? Chưa quá muộn để ngăn chặn cuộc chạy đua xây dựng sân bay. Tỉnh nào cũng muốn được… cất cánh vươn lên, nhưng không nên quên rằng đường băng, sân bay phải được xây dựng trên nền móng kinh tế. Có sân bay để “trưng bày”, một ngày lèo tèo một vài chuyến bay hay là nơi hạ cánh của chim trời? Đầu óc tư duy còn nặng thì làm sao cất cánh nổi.