Muộn cũng phải làm

ANTĐ - Ngồi trên phố uống trà đá, anh Vũ Duy Hải (19 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) lắc đầu khi mấy chị mời mua cốm.

- Báo chí vừa đăng tin cốm nhuộm phẩm màu cực độc xong, giờ ai dám mua!

- Chỉ một số người hám lợi thôi, tẩy chay thế này những người làm ăn chân chính lại thiệt.

- Biết thế nhưng cẩn thận vẫn hơn. Dại gì đi mua bệnh tật vào người. Sao lại có người vì chút lợi nhuận mà tuỳ tiện thế, làm ảnh hưởng cả đến một thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội.

- Cả làng Vòng giờ còn gần chục hộ làm cốm, có đăng ký thương hiệu đâu mà được quản lý chất lượng và bảo vệ.

- Còn nhiều sự “ngây thơ” lắm. Như vừa rồi. Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bỗng nhiên thành của Trung Quốc. Đi kiện thì đuối lý, “Trâu chậm uống nước đục” thôi.

- Kinh tế hội nhập, thương hiệu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

- Không biết các địa phương đã có cách gì để bảo vệ thương hiệu đặc sản của mình chưa? Mất thương hiệu không chỉ ảnh hưởng kinh tế, mà còn mất lòng tin của người tiêu dùng.

- Đến bây giờ có là muộn để thay đổi cách nghĩ?

- Muộn vẫn phải làm. Ngay từ những hộ nông dân cũng phải có cách để bảo vệ uy tín sản phẩm mình làm ra. Các doanh nghiệp nên liên kết với nhau để hướng ra thị trường nước ngoài, đừng để luôn chịu thiệt, “mất bò mới lo làm chuồng”. Phải làm nhanh chứ không rồi có một ngày Tò he lại mang thương hiệu nước ngoài mất.