Muộn còn hơn không

ANTĐ - Cuối cùng thì bóng đá Việt Nam cũng tìm ra một hướng đi để theo đuổi sau bao năm tất bật ngược xuôi mà chẳng nên cơm cháo gì. Học người Nhật, đồng nghĩa chúng ta sẽ có cơ sở để phát triển bền vững như cách mà chính bóng đá xứ Mặt trời mọc đang có.

Muộn còn hơn không ảnh 1
Hiện giờ không hiếm cầu thủ Nhật trở thành ngôi sao ở những CLB hàng đầu châu Âu


Giải VĐQG Nhật Bản J-League có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng bóng đá Nhật Bản nói chung đã có vị thế trong lòng những người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Mỗi khi đá World Cup, ĐT Nhật trở thành niềm tự hào châu Á để CĐV Việt hò hét cổ vũ. Không những thế, bóng đá Nhật từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức thanh niên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, với những game bóng đá, những ấn phẩm văn hóa, truyện tranh như Tsubasa, Jindo hay sau này là Jindodinho… Ở đó, hình mẫu cầu thủ Nhật với kỹ năng tuyệt vời và khát khao vươn tầm thế giới thật lý tưởng và đã trở thành niềm mơ ước cho biết bao thế hệ cầu thủ bây giờ.

Sự kiện Công Vinh sang đầu quân cho C.Sapporo năm ngoái như một cầu nối ước mơ được tiếp cận và thi đấu ở những nền bóng đá tiên tiến châu lục và thế giới của cầu thủ Việt. Hôm qua, phái đoàn VFF đã sang Nhật để dự hội thảo bóng đá chuyên nghiệp, cũng như nhờ giới thiệu một số người có thể đảm trách những vị trí quan trọng như HLV trưởng ĐTQG, hay GĐKT cho các ĐTQG. Có thể thấy, bóng đá Nhật Bản đang mở rộng cửa với bóng đá Việt Nam. Vấn đề còn lại là bóng đá Việt Nam sẽ học được điều gì và triển khai nó ra sao. 

BCH VFF khóa VII với tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã đi một nước cờ mà lẽ ra, người tiền nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ đã phải đi từ rất lâu. Nhưng thà muộn còn hơn không. Như chuyên gia Tanaka Koji từng nói, bóng đá Việt Nam phải làm lại từ đầu, ngay ở cấp CLB. Nghĩa là phải xây cái móng cho thật chắc rồi mới nghĩ đến chuyện lợp mái, chứ không thể làm ngược lại. Nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam tất bật ngược xuôi mà chẳng nên cơm cháo gì cũng bởi lý do ấy. Các CLB đua nhau mua về những tiền đạo hoặc những trung vệ châu Âu, châu Phi với nền tảng thể lực sung mãn, không cần quá xuất sắc cũng được, miễn là có thể chạy từ đầu đến cuối trận để khi đối thủ bị tiêu hao thể lực thì tìm cơ hội ghi bàn. 

Ở Nhật thì hoàn toàn ngược lại. Họ có thuê cầu thủ ngoại nhưng không bị lệ thuộc như ở ta. J-League rất hiếm cầu thủ tới từ châu Âu và càng ít hơn nữa những cầu thủ có quốc tịch châu Phi. Người Nhật cho rằng họ chẳng học hỏi gì được từ lối đá và kinh nghiệm của cầu thủ châu Phi để phát triển cả. Đó là tư duy hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam, và nó lý giải vì sao bóng đá Nhật phát triển hơn chúng ta vài bậc. Cầu thủ Nhật đi đâu cũng tự tin về bản sắc của mình, bất kể ở giải đấu nào. Hãy nhìn như  Kagawa, Honda, Nagatomo thì rõ.

Mong sao lộ trình mà BCH VFF khóa VII vạch ra sẽ được thực hiện đúng tiến độ, để bóng đá Việt Nam sẽ thực sự bước lên một tầm cao mới.