Muốn “chết” mà vẫn phải cố... sống!

ANTĐ - “Khục khục, khạcccc!!!” - âm thanh khó nghe thỉnh thoảng lại cất lên ngay ngoài cửa phòng trọ của Thuận, khiến bữa cơm giữa tôi với cậu mất ngon. Ngay trước sân nhà, một vài thứ khó nhìn xuất hiện, thu hút ruồi nhặng bu quanh.

Biến xóm trọ thành… địa ngục

Mức thu nhập hàng tháng của một người làm công ăn lương nhà nước như Thuận không mấy dư dả, nên cậu thuê nhà ở xóm trọ bình dân tại Nhân Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Với giá chừng 1 triệu đồng/tháng, phòng trọ thường không khép kín, nhà tắm, nhà vệ sinh dùng chung cho cả xóm.

Không gian sống như vậy, mỗi người phải có ý thức thì mới giữ gìn được vệ sinh chung, nhưng dường như đây là một đòi hỏi quá sức cho cộng đồng thuê trọ 8 phòng này. Muốn ngả lưng một chút buổi trưa nhưng tôi không thể nhắm mắt nổi, vì ngoài việc khạc nhổ, 2 chị ở phòng bên còn rôm rả trò chuyện không ngơi nghỉ.

Thuận cười mếu: “Các chị ấy kỳ lắm, cứ vào giờ ăn của đứa bé, tiếng họ dỗ dành làm ầm ĩ cả xóm. Dỗ ăn xong họ lại tranh thủ nói chuyện, thường tới 1h sáng mới ngủ, và 6h sáng hôm sau lại… “họp chợ” tiếp. Em và 2 cô bạn ở phòng trọ cạnh đó mất ngủ thường xuyên. Buồn cười là, tới tầm 8h sáng, 2 chị ấy lại…lên giường ngủ. Thế mới khổ”.

Ra tới cửa, tôi gặp Hiền, cô sinh viên sư phạm năm thứ 3 ở phòng trọ kế bên, đang ra múc nước với vẻ mặt bơ phờ vì thiếu ngủ. Cái sân chung chỉ được cỡ chục mét vuông, nhưng không ngày nào là không có rác từ các phòng vô ý thức xả ra. Từ vỏ bim bim cho tới đồ ăn thừa, rác sinh hoạt hàng ngày rơi vãi khắp nơi. Nếu không có cây chổi của Hiền hay Thuận, không hiểu cái mảnh sân nhỏ này sẽ biến thành… bãi rác to cỡ nào.

Nhà tắm chung cũng đầy vỏ dầu gội, sữa tắm loại dùng một lần, nên cứ sau một ngày lại như bãi rác, Thuận và Hiền lại thay nhau vào quét, vì cống thoát nước chẳng thể tiêu được những loại rác thải vô ý thức này.

Đi làm đi học cả ngày, không được ngủ trưa đã là cực hình với những người như Thuận, như Hiền, nhưng tối về thì đầu óc của họ lại được “tra tấn” kiểu khác. Trong phòng trọ đầu xóm của đôi vợ chồng trẻ luôn “khuấy động” bầu không khí chung bằng những bản nhạc vàng não nề, hoặc nhạc sàn đinh tai nhức óc. Hai vợ chồng này đi làm giờ hành chính, cứ tối đến là họ lại xả hơi bằng cách bật loa công suất lớn để… giải trí. 

“Em ở đây hơn 3 năm rồi anh ạ, trước thì toàn sinh viên, cũng vui, có gì dễ góp ý. Đợt này xóm trọ đón những người mới về, làm em thấy mình già thêm, bức xúc ngày càng tăng. Chắc em cũng phải chuyển chỗ trọ thôi, dù biết tìm được nơi có giá vừa phải, sống được ở Hà Nội này không dễ. Nghĩ tới việc chuyển nhà cũng ngại, nhưng sống thế này thì…”, Thuận thở dài, nói với tôi trong không khí ngột ngạt của bữa cơm tối đầy âm thanh… hỗn độn. 

Muốn thoát, chẳng dễ dàng!

Bản thân ông chủ xóm trọ chỗ Thuận thuê vốn là người khó tính, từng rất nghiêm khắc với người tới thuê. Nhưng đó là quá khứ, khi nhu cầu thuê nhà tăng cao, ông chỉ cho những ai có ý thức tới ở, thì không gian sống lành mạnh lắm. Gần đây, kinh tế khó khăn, nhiều người chẳng ham hố bám trụ lại Hà Nội nữa, thành ra khu trọ của ông cũng dần ế ẩm.

Vì “háo” khách quá, nên giờ ông chủ trọ khó tính cũng tự biến mình thành câm điếc, thôi thì miễn có người thuê là may, chứ họ bỏ đi thì biết bao giờ lấp đủ phòng, mỗi ngày phòng trống là một ngày mất thu nhập…

Có lần cô bé Hiền đã góp ý thẳng thắn với hai chị ở phòng bên, nhưng chỉ nhận lại là lời đáp thẳng thừng: “Cũng chỉ là phận thuê nhà như nhau cả, có phải nhà mình đâu mà cứ làm như…”. Thế là Hiền đành…chịu.

Chia tay xóm trọ chỗ Thuận, chỗ Hiền, cùng nhiều xóm trọ khác mà tôi đã ghé qua, tôi vẫn chẳng thể vơi cái ám ảnh từ lời chia sẻ của Hiền: “Tiền ít, nhà không phải của mình, em cũng như mấy người khác chỉ biết nhắm mắt, bịt tai mà ở vậy thôi. Nhiều khi stress tăng cao vì sự vô ý thức quá đáng, em nghĩ chắc chết trong cái không gian này quá, nhưng rồi, nói muốn chết mà vẫn cứ phải cố sống thôi, Hà Nội chật quá, chật quá, anh ạ!”.          

Tin cùng chuyên mục