Muốn cải thiện môi trường kinh doanh, phải truy trách nhiệm đến cùng

ANTĐ - Quan điểm trên được TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, diễn ra sáng nay (18-5).

Sẽ truy đến cùng trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương không thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 19

Đây là lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp, Chính phủ triển khai Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. TS Nguyễn Đình Cung đánh giá, 2 năm qua, nhìn chung là các bộ, ngành chưa tích cực, ngoại trừ Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế) trong việc triển khai Nghị quyết này. “Do vậy, phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm. Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tôi kỳ vọng tinh thần đó sẽ được thấm xuống các bộ ngành, địa phương”- Viện trưởng CIEM nói.

Đơn cử, theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thời gian kiểm tra chuyên ngành dài. Cụ thể, với các doanh nghiệp kinh doanh bông, thủ tục phải làm bao gồm: Gửi công văn lên cục thú y đề xin Giấy phép Kiểm dịch thực vật , tính từ khi gửi công văn đến khi có quyết định kiểm dịch là 7 ngày; Làm thủ tục mở tờ khai xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu nhập mất 2 ngày (Nếu lô hàng ở trong vùng có dịch, có nguy cơ nhiễm dịch thì sẽ phải hun trùng); Phải mất 24 giờ sau khi nộp kết quả kiểm dịch hàng mới được thông quan. Như vậy ít nhất phải mất 10 ngày, doanh nghiệp mới xong thủ tục kiểm dịch hàng hóa. Thủ tục rườm rà và thời gian kéo dài sẽ gây tốn kém, khó khăn cho doanh nghiệp, nên cần phải sửa đổi.

Ngày 28-4-2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2016-NĐ-CP. Nghị quyết lần này thể hiện thái độ cương quyết hơn trong đổi mới. Theo đó, Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, tiến độ công việc giao cho từng bộ, ngành, địa phương; Yêu cầu phải chuẩn hóa thủ tục, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu; Bãi bỏ các quy định không phù hợp; Xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động; Tháo gỡ vướng mắc về chứng nhận hợp quy, kiểm tra hàng nhập khẩu;

Đơn giản hóa thủ tục tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp; Cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng; Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm; Đặc biệt là Chính phủ yêu cầu mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách; Thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Theo ông Michel- Giám đốc USAID tại Việt Nam, Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam (đạt mức trung bình của ASEAN 4 vào năm 2016; ASEAN 3 vào năm 2020).

Đồng thời, bổ sung tiêu chí, chỉ tiêu mới theo chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong việc rà soát, đánh giá các chính sách, thường xuyên trao đổi với cơ quan Nhà nước về những vướng mắc để cùng tháo gỡ.