“Mượn” bão, rau tăng giá

ANTĐ - Việc 2 cơn bão xuất hiện dồn dập, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 8 khiến người dân thành thị lao đao. Họ không chỉ phải lo đối phó với bão lũ mà còn “hoa mắt, chóng mặt” vì thực phẩm, đặc biệt là rau củ, quả đua nhau tăng giá.

Rau xanh ngày bão: Tăng giá vẫn đông khách

Một ngày trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào một số tỉnh miền Bắc, giá rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội bỗng dưng tăng giá đồng loạt với mức tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường. Cụ thể rau muống tăng từ 4.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ, rau mồng tơi từ 3.000 đồng lên 7.000 đồng/mớ, rau dền từ 2.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ... Không những giá tăng gấp đôi, gấp ba mà nông dân còn giảm bớt lượng rau, nhiều bó chỉ bằng 2/3 so với ngày thường. Bên cạnh đó, giá các loại củ quả cũng tăng cao: Bí đao, bí đỏ tăng giá gấp đôi lên 20.000 đồng/quả loại nhỏ, cà chua giá từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, su su từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/kg. Điều đáng nói là sau bão, giá các mặt hàng này hầu như không giảm nếu có cũng không đáng kể.

Sau khi cơn bão số 5 vừa tan, cơn bão số 6 xuất hiện và kịch bản đồng loạt tăng giá tại các chợ Hà Nội lại được lặp lại. Vào thời điểm trước và trong bão, mặt hàng rau xanh, củ quả tại các chợ dân sinh lại rơi vào tình trạng khan hiếm. Sáng 8-8, khi đến nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, không ít người dân đã rất ngỡ ngàng khi toàn bộ số rau xanh đã được tiêu thụ gần hết chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ. 

Tại một chợ cóc gần nhà, sau khi tham khảo giá rau tại 3 hàng khác nhau với số lượng rau còn lại khá ít ỏi, bà Nguyễn Thị Hòa – cán bộ hưu trí ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình – đành phải chọn 1 bó rau muống, 1 bó rau mồng tơi đã khá nát với giá 9.000 đồng/ bó. Theo bà Hòa, vào những ngày mưa bão, việc đi chợ mua được 1 mớ rau vừa ngon, vừa rẻ là điều không thể. Đành rằng khi trời mưa to, việc thu hoạch, vận chuyển rau gặp nhiều trở ngại nên người trồng, người bán rau tăng giá là bình thường. Song, việc tăng giá gấp 3, 4 lần là khó có thể chấp nhận. “Người tiêu dùng không còn cách nào khác đành phải nhắm mắt móc hầu bao mua một bó rau có giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó. Điều đáng nói là hầu hết các mặt hàng khi đã tăng giá đều “quyết không xuống” nên giá cả cứ thế leo thang, chỉ khổ cho những người dân thu nhập thấp phải tìm đủ mọi cách thắt chặt chi tiêu. Thôi thì cố gắng bóp mồm bóp miệng, rau đắt thì ăn ít đi vậy” – bà Hòa phàn nàn.

 Trong khi giá rau xanh tăng chóng mặt thì một số thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng… lại giữ giá khá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Giải thích về tình trạng các mặt hàng rau, củ, quả tại các chợ giá tăng cao những ngày qua, bà L.T.H – người chuyên kinh doanh rau xanh tại chợ Thành Công, quận Ba Đình cho biết, giá rau xanh lên là do nhu cầu của người dân tăng đột biến. Trong khi đó, nguồn cung cấp rau đổ về các chợ lại giảm do nhiều người sản xuất đã “găm” hàng để ép người buôn mua với giá cao hơn. Bên cạnh đó, do trong những ngày mưa bão, việc thu gom, vận chuyển, bảo quản rau xanh của tiểu thương vất vả và mất nhiều công sức hơn nên việc tăng giá cũng là điều đương nhiên(?!). 

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tâm lý phòng xa, thích… tích trữ của người dân. Chị Nguyễn Thị Kim – ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Đống Đa chia sẻ, khi thấy hàng xóm đua nhau mua rau…đón bão, lo ngại những ngày tiếp theo giá rau tăng mạnh hơn nên chị Kim cũng chạy ra chợ mua đủ các loại rau củ về để tích trữ dù chúng có giá cao gấp 2, 3 lần và không tươi ngon như ngày thường.

Nhận định về tình hình tăng giá mạnh các loại rau trong thời gian vừa qua, anh Nguyễn Hưng – chuyên viên Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay nguồn cung cấp rau cho Hà Nội khá dồi dào. Những ngày qua, tuy mưa bão diễn ra liên tiếp, song hầu hết các loại rau nhiệt đới như bí, rau muống, dưa chuột, rau ngót… ít bị thiệt hại nên lượng cung tuy có giảm nhưng không đáng kể. Do vậy, việc giá rau xanh, củ, quả tăng chủ yếu là do khó khăn trong việc thu hái và vận chuyển đến các chợ, song cũng không loại trừ việc lợi dụng mưa bão để đẩy giá rau lên cao của một số tiểu thương.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và ổn định thị trường thực phẩm, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về giá, đồng thời xử phạt nghiêm các hành vi lợi dụng bão lũ để tăng giá và kiên quyết loại trừ việc lợi dụng thời tiết để găm hàng, tăng giá...