Mùi Tết

(ANTĐ) - Rét thì rét, Tết cũng đã náo nức lắm rồi. Lại thêm tí mưa phùn, chẳng còn bất cứ thứ gì có thể ngăn trở người ta rộn ràng đón Tết. Không gian cứ đặc quánh lại, thấm thía những thứ hương vị mà chỉ Tết mới có: mùi Tết.

Mùi Tết

(ANTĐ) - Rét thì rét, Tết cũng đã náo nức lắm rồi. Lại thêm tí mưa phùn, chẳng còn bất cứ thứ gì có thể ngăn trở người ta rộn ràng đón Tết. Không gian cứ đặc quánh lại, thấm thía những thứ hương vị mà chỉ Tết mới có: mùi Tết.

Một người bán những bó mùi già trên phố
Một người bán những bó mùi già trên phố

Sống nhiều năm ở châu Âu, lần này về Hà Nội ăn Tết đúng vào những ngày rét đậm, rét hại, đấy là người ta nói thế, nhưng trong lòng tôi thấy ấm áp kỳ lạ. Có thể cái cảm giác rét buốt quê nhà chẳng thấm vào đâu so với cái rét dưới 0 độ ở nước ngoài, nhưng cái chính là sự ấm áp toát ra từ tiếng cười, tiếng nói, từ cả những thứ không nói thành lời nhưng vẫn khiến người ta thấy thân thương nơi chôn rau cắt rốn của mình. Một vòng phố Tết, để thấy Tết đang ngấm vào mình, để thấy mình đang hòa vào Tết.

Bất ngờ, ra ngõ gặp ngay bà bán mùi già. Tôi cứ ngỡ Hà Nội đã hiện đại ngần ấy, phát triển ngần ấy, những thứ dân dã quê mùa đã biến mất từ lâu. Vậy mà, những bó mùi già, vàng ỏng hoặc quắt queo trong gió lạnh với cái mùi thơm cay tinh dầu nồng ấm ấy lại có sức sống kỳ lạ trong phố phường, giữa nườm nượp người xe đến vậy. Đi theo bà bán mùi già, thấy đôi bàn tay nhăn nheo, da dẻ tím tái dù quanh người đã quấn, bọc bằng vài lớp nilon, bà vẫn so seo vì lạnh, chợt nhớ về những năm tháng ấu thơ, cũng cỡ này hàng năm, tôi theo bà gánh lá dong, ống giang đi bán khắp phố khắp phường.

Chỗ nào cũng xanh đỏ, chỗ nào cũng sắc màu, chỗ nào cũng nhộn nhịp, dù cái nhộn nhịp ngày xưa chủ yếu được tạo ra bởi tiếng nói tiếng cười, tiếng mua bán mặc cả chứ không phải tiếng xe cộ ầm ĩ như bây giờ, thế là trong lòng rộn rã, đúng là vui như Tết. Tôi ngó chỗ này một tí, nghiêng chỗ kia một tí, toàn những thứ bắt mắt trẻ con. Hộp mứt bí, mứt táo, mứt gừng, mứt quất thơm mùi đường lại đậm vẻ ngọt ngào, cây giò tứa mỡ ra ngoài lớp lá bọc. Quả bóng bay mới thổi thơm mùi cao su hay con tò he có dáng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới thơm mùi bột gạo. Hay ông xay hạt tiêu, bán kèm quế chi luôn miệng rao, cứ đi qua đâu là mùi thơm thơm cay cay còn đậm trong không khí. Ngó đến khi no mắt, cũng là lúc bụng tôi sôi ào ào.

Thế là đến cuối chợ, thể nào cũng gặp hàng bánh rán, bà sẽ mua cho tôi một cái để tôi nhấm nháp cho đã cơn thèm, để bà còn tập trung vào công việc. Khi quang gánh vơi, hai bà cháu tênh tênh trở về, thể nào về nhà bà cũng ríu rít gọi mọi người lại để khoe một bức tranh Đông Hồ hoặc tranh Hàng Trống, vài câu đối đỏ còn thơm mùi mực. Anh em tôi truyền tay nhau hít hà, trong khi cha tôi giảng giải chữ nghĩa của mỗi bức tranh, trong khi mẹ nhanh tay vò mấy bó mùi già, cất vào một góc chờ để tắm tất niên. Tôi cứ cười bà, sao mua sớm thế. Bà cốc đầu tôi khẽ bảo: “Lớn rồi mà vẫn vô tâm. Ngày Tết giá cả lên từng ngày, hôm nay không mua, ngày mai mới mua có khi đáng lẽ mua ba bó chỉ mua được bó. Để có hỏng đâu, mua sớm cho nhà đậm mùi Tết”.

Mùi Tết với bà tôi là phải có bó mùi già, cộng thêm những quả bưởi vàng mọng, vỏ mỏng mà thơm lừng, thơm mát, hương thơm cứ vấn vít vào tóc, vào quần áo, vào khứu giác ngay cả khi ta chẳng ở gần. Cũng thêm nải chuối, những bó hương trầm đặc biệt, thế là Tết đã có đủ mùi, đủ vị.

Nhắc đến mùi hương trầm, chợt thấy ấm ấm, cay cay nơi sống mũi. Không biết nhà ai đã đốt nhang sớm, mùi hương theo gió lan đi, lan xa, mỏng nhẹ mà lay động khôn cùng. Những năm tháng ở nước ngoài, chiều ba mươi Tết tôi cũng cúng bánh chưng, giò, cũng đốt nhang. Nén hương của người xa xứ vọng về quê hương ngậm ngùi, rưng rưng. Còn mùi nhang trong cái lạnh cuối năm này, chợt thấy phố phường Hà Nội trở nên thanh khiết lạ lùng, bao nhiêu ồn ào hỗn tạp của phố xá cũng như của lòng người dường như chỉ là khoảnh khắc, còn cái mùi nhang ấy, nó cứ như thế, nối liền từ năm nay qua năm khác, Tết này qua Tết khác để thời gian trở thành vĩnh cửu.

Bà bán mùi già đã lẫn vào những xe hoa đào, hoa cúc, những xe mai, xe quất đi như đan lưới trong phố phường, dệt nên bức tranh xuân đầy màu sắc. Chẳng riêng những loài hoa có mùi “thành thị”, Hà Nội còn đậm mùi núi rừng của những cành đào phai còn nguyên vẻ rêu phong. Quất Tứ Liên có vị phù sa sông Hồng, đào La Cả dường như cũng có mùi khác với đào Nhật Tân...

Tôi ngửi thấy cả mùi của những tấm áo mới người người diện trên đường phố. Tôi cũng thấy trong gió có mùi bánh chưng của làng Tranh Khúc, mùi giò chả của làng Ước Lễ, mùi mứt Tết ở Xuân Đỉnh - Từ Liêm theo gió bay tới. Tôi nghe cây cối trong lòng Hà Nội cũng bật lên một thứ mùi sinh sôi. Tôi chờ được đứng bên hồ Gươm, trong dòng người đi đón giao thừa với mùi của sự hân hoan, mùi của niềm vui mừng như hoa bừng nở trên mỗi khuôn mặt người.

Vương Đức Hải

Tin cùng chuyên mục