Mùi hơi thở tiết lộ về sức khỏe

ANTĐ - Mặc dù bạn vệ sinh răng miệng rất kỹ nhưng hơi thở vẫn có mùi. Nguyên nhân chính gây hôi miệng là do khô miệng bởi khi miệng không có đủ độ ẩm, các vi khuẩn phát triển mạnh. 

Khi ngủ, miệng tiết rất ít nước bọt, đó là lý do gây khô miệng và hơi thở hôi. Nếu hơi thở hôi vào buổi sáng thì không đáng lo ngại nhưng nhiều người  bị hôi miệng, khô miệng cả ngày, thường do một loại thuốc mà họ đang dùng. Theo các chuyên gia y tế, 75%  các loại thuốc được kê theo đơn, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin và thuốc huyết áp gây tác dụng phụ là khô miệng. Trong trường hợp khác, hơi thở hôi mãn tính có thể báo hiệu vấn đề sức khỏe.

Hơi thở có mùi băng phiến

Bạn có thể bị dị ứng hoặc viêm xoang. Khi có vấn đề về xoang mãn tính, vi khuẩn trong miệng sẽ chuyển đổi các protein trong dịch nhầy thành một hợp chất gọi là skatole khiến hơi thở có mùi băng phiến. 

Hơi thở có mùi trái cây

Bạn có thể bị bệnh tiểu đường. Khi lượng đường trong máu tăng lên, các tế bào bắt đầu đốt cháy chất béo thành năng lượng. Các sản phẩm phụ của quá trình này là xeton làm cho hơi thở có mùi trái cây.

Hơi thở có mùi sữa chua

Bạn có thể không dung nạp tốt lactose. Mùi này cho thấy cơ thể không phá vỡ các protein trong sữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc các triệu chứng khác như tiêu chảy, chuột rút.

Hơi thở có mùi tã bẩn

Bạn có thể bị sưng amidan. Vi khuẩn và các mảng bám thức ăn có thể bị kẹt trong amidan và gây mùi khó chịu giống như mùi tã bẩn.

Hơi thở có mùi hôi

Bạn có thể mắc bệnh phổi do nhiễm trùng (như viêm phổi) hoặc ung thư. Kiểm tra hơi thở có thể xác định các mùi có liên quan với bệnh ung thư. Nếu bạn nghi ngờ có bất kỳ vấn đề về phổi, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.