Mục tiêu thực sự việc thành lập Liên minh Hải quân ở eo biển Hormuz của Mỹ là gì?

ANTD.VN - Mỹ đã mời các nước Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc và Vương quốc Anh tham gia vào một liên minh quốc tế, với niềm tin rằng một liên minh do Mỹ thành lập gồm nhiều quốc gia ở các khu vực sẽ đảm bảo được an ninh ở eo biển Hormuz sau những biến cố gần đây trong khu vực này.

Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ đang tìm cách thành lập một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải tại eo biển Hormuz nối liền Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Trong một động thái khác, Lầu Năm góc cũng ra tuyên bố, nhấn mạnh việc Mỹ đang phát triển một khuôn khổ an ninh hàng hải có tên là Chiến dịch Sentinel để tăng cường an ninh ở Vịnh Ba Tư, Eo biển Hormuz, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Ô-man sau các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở đó.

Việc thành lập ra một liên minh như vậy là có hợp lý không? Liệu liên minh này có là động cơ để đẩy nhanh sự leo thang của một kịch bản quân sự, mà cụ thể ở đây là cuộc xung đột với Iran?

Mỹ đang cố gắng giành được sự ủng hộ của các đồng minh của mình cho một sáng kiến tăng cường giám sát các tuyến vận chuyển quan trọng ở Trung Đông vì e ngại các mối đe dọa từ Iran.

Mục tiêu thực sự việc thành lập Liên minh Hải quân ở eo biển Hormuz của Mỹ là gì? ảnh 1

Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero là do thất bại 'trong việc tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế' (Ảnh: AFP)

Ngày 9-7, Washington đã đưa ra một đề xuất để tăng cường các nỗ lực bảo vệ vùng biển chiến lược ngoài khơi Iran và Yemen, nơi Mỹ đã cáo buộc Iran và các  lực lượng được Iran hậu thuẫn thực hiện các cuộc tấn công vào tàu chở dầu, trong khi Iran phủ nhận mọi cáo buộc.

Nhưng khi các đồng minh của Washington thể hiện quan điểm không muốn sử dụng vũ khí hoặc lực lượng chiến đấu, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc đã "lái" mục tiêu này sang hướng khác với tuyên bố: Mỹ không phải là tạo ra một liên minh quân sự, mà là để ngăn chặn các cuộc tấn công vào vận chuyển thương mại.

Do lo ngại về sự đối đầu, nên các đồng minh của Washington dường như chỉ tham gia trong giới hạn nguồn nhân lực và thiết bị hải quân hiện có ở gần Eo biển Hormuz ở Vịnh Ba Tư và Eo biển Bab al-Mandeb ở Biển Đỏ.

Theo nhận định một chuyên gia về chính trị Mỹ và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Thế giới thuộc Viện Luật và Khoa học Chính trị tại Đại học Tehran, ông Fuad Izadi, thì một liên minh như vậy chắc chắn sẽ thất bại: “Thực tế là việc người Mỹ muốn tạo ra một liên minh chống lại Iran không phải là điều mới mẻ. Họ đã muốn làm điều này trong nhiều năm. Và như thường lệ, họ liên tục thất bại trong việc xây dựng liên minh”.

Mục tiêu thực sự việc thành lập Liên minh Hải quân ở eo biển Hormuz của Mỹ là gì? ảnh 2

Tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge ở biển Ả Rập hồi tháng Năm (Ảnh: AP)

Nhà phân tích người Iran đã miêu tả mong muốn để tạo ra một liên minh hải quân ở eo biển Hormuz của Mỹ với nỗ lực của họ để tạo ra một Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA) nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với vùng Vịnh và Trung Đông là “lực bất tòng tâm”.

“Một ví dụ là người Mỹ đã muốn tạo ra cái gọi là một liên minh ‘NATO của Trung Đông’, nhưng đã thất bại. Không ai còn nhớ điều đó. Hoặc họ muốn tạo ra một liên minh chống lại Iran, bao gồm Ai Cập, Jordan và Pakistan, nhưng không một quốc gia nào trong số này muốn điều đó”, ông Izadi nói.

Theo ông Izadi, việc tạo lập thành công một liên minh như vậy là vô cùng khó xảy ra do chính sách đối ngoại nghèo nàn của chính quyền Mỹ hiện tại.

“Chúng ta sẽ không có liên minh hay bất kỳ hành động gây bất lợi cho Iran nào của người Mỹ vì hầu như tất cả các nước đều nhận ra rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump đã thất bại. Từ những sự kiện gần đây nhất, là vụ việc người Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Iran; mọi người đều biết ông Trump đã làm gì với Thủ tướng và Đại sứ Anh, đã chế giễu họ ra sao. Đây là thái độ điển hình của ông Trump đối với những người tự xưng là đồng minh của Mỹ, nhưng Mỹ không coi trọng họ. Tất nhiên, ông Trump đã đưa ra đủ loại lời hứa nhưng không thực hiện”.

Thế nên, mặc dù ông Mike Pompeo luôn liên tục vận động và nhấn mạnh rằng mọi quốc gia quan tâm đến việc đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz cần tham gia vào sáng kiến để bảo vệ không chỉ lợi ích của riêng mình mà còn để có những "hiểu biết cơ bản về đường thủy tự do", thì việc xây dựng được một liên minh theo đúng ý của Mỹ là không hề dễ dàng.