“Mục tiêu mềm” của giới tội phạm ở Nigeria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Ovigwe Eguegu, nhà phân tích địa chính trị và an ninh tại Afripolitika, một tổ chức tư vấn an ninh cho rằng, những kẻ bắt cóc đang nhắm vào các trường học ở Nigeria vì đó là “mục tiêu mềm”.
Chưa đầy 3 tháng, đã có 3 vụ tấn công vào trường học ở Nigeria

Chưa đầy 3 tháng, đã có 3 vụ tấn công vào trường học

ở Nigeria

Hôm 3-3, Thống đốc bang Zamfara, miền Bắc Nigeria thông báo, những kẻ bắt cóc vừa thả tất cả gần 300 nữ sinh trường nội trú bị bắt cóc mà không có khoản tiền chuộc nào được trả. Tổng thống Muhammadu Buhari bày tỏ “niềm vui khôn xiết” trước thông tin này.

Kết thúc có hậu

Trước đó, sáng sớm 26-2, hơn 100 tay súng đột kích trường trung học nữ sinh ở làng Jangebe hẻo lánh, bắt 279 người. Phát ngôn viên của bang Zamfara, Sulaiman Tanau Anka cho biết, khi xảy ra vụ tấn công, một số cô gái mất tích đã kịp chạy trốn vào bụi rậm. Một nhân chứng kể: “Chúng tôi đang ngủ vào ban đêm thì đột nhiên nghe thấy tiếng súng. Họ bắn không ngừng. Chúng tôi ra khỏi giường và mọi người bảo cướp đến, nên chạy đi. Mọi người chạy trốn và chỉ còn lại 2 chúng tôi trong phòng. Bọn họ xông vào, chĩa súng vào đầu chúng tôi. Tôi thực sự sợ bị bắn”.

Đây là vụ tấn công vào trường học lần thứ ba trong vòng chưa đầy 3 tháng ở Nigeria. Trong số gần 300 nạn nhân có những bé gái chưa đầy 11 tuổi. Cư dân địa phương cho biết, 2 ngày trước khi vụ việc xảy ra, “những kẻ lạ mặt” đã tuần tra, chiếm giữ khu vực xung quanh trường học, quấy rối người đi bộ khiến người dân phải trình báo cảnh sát. Nhưng không chỉ người dân sống gần trường bày tỏ lo lắng về tình hình an ninh trong khu vực. Một số gia đình có con em theo học tại trường nội trú đã đề nghị nhà trường đóng cửa khu nhà ở, cho phép các nữ sinh đến lớp ban ngày như các trường học khác vì ngày càng có nhiều báo cáo về hoạt động tội phạm ở các khu vực gần đó, nhưng những lời cầu xin của họ cũng bị bỏ qua.

Sau vụ tấn công, các quan chức chính phủ đã đàm phán với những kẻ bắt cóc - được gọi là “kẻ cướp”. Ủy viên cảnh sát bang Zamfara, Abutu Yaro, cho hay, tiến trình hòa bình do chính phủ lãnh đạo đã dẫn đến việc trả tự do cho các cô gái. “Hiệp định hòa bình Zamfara vẫn là xương sống của thành công mà chúng tôi đã ghi nhận cho đến nay. Các nữ sinh này đã được phóng thích thông qua đối thoại”. Tại thủ phủ Gusau của bang Zamfara, nhiều bậc cha mẹ đã khóc khi biết tin con họ được thả. Trong một dòng đăng trên Twitter, Tổng thống Buhari cho biết, ông “rất vui vì kết thúc có hậu mà không có bất kỳ sự cố nào xảy ra”.

Các băng nhóm hành động do động cơ tài chính

Ông Ovigwe Eguegu, nhà phân tích địa chính trị và an ninh tại Afripolitika, một tổ chức tư vấn an ninh cho rằng, những kẻ bắt cóc đang nhắm vào các trường học ở Nigeria vì đó là “mục tiêu mềm”. “Chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều trường hợp trong một thời gian ngắn như vậy. Đó là điều rất đáng quan tâm. Những vụ bắt cóc này có rủi ro thấp và đem lại giá trị cao cho những kẻ bắt cóc. Một số trường học thậm chí không có hàng rào và gần khu vực các phần tử tội phạm hoạt động”, ông Eguegu nói.

Trong những năm gần đây, các băng nhóm tội phạm có vũ trang ở Tây Bắc và miền Trung Nigeria đã tăng cường các cuộc tấn công, bắt cóc đòi tiền chuộc, cưỡng hiếp và cướp bóc. Quân đội Nigeria đã triển khai đến khu vực này vào năm 2016 và một thỏa thuận hòa bình với các băng nhóm đã được ký kết vào năm 2019 nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.

Vào tháng 12-2020, hơn 300 nam sinh đã bị bắt cóc từ một trường học ở Kankara, thuộc bang Katsina, quê hương của ông Buhari, trong khi Tổng thống đang đến thăm khu vực. Các nạn nhân sau đó đã được thả nhưng vụ việc gây ra sự phẫn nộ và gợi nhớ về vụ nhóm vũ trang Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh ở Chibok khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhiều cô gái trong số đó vẫn đang mất tích.

Các băng nhóm này chủ yếu hành động do động cơ tài chính và hầu như không mang tư tưởng cực đoan nào. Trong khi đó, bắt cóc để đòi tiền chuộc ở quốc gia đông dân nhất châu Phi đã là một thực trạng phổ biến khi mà hàng loạt doanh nhân, quan chức và công dân bị bọn tội phạm bắt ngay trên đường phố để đòi tiền chuộc. Theo SB Morgen, một công ty tư vấn nghiên cứu địa chính trị có trụ sở tại Lagos, ít nhất 11 triệu USD đã được trả cho những kẻ bắt cóc từ tháng 1-2016 đến tháng 3-2020.

Từ các băng nhóm bắt cóc đòi tiền chuộc cho đến các nhóm vũ trang chiếm lĩnh các thị trấn, chính phủ Nigeria phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh ngày càng gay gắt trên khắp đất nước. Vào tháng 1-2021, sau nhiều tháng chịu áp lực của dư luận về tình trạng bạo lực gia tăng, Tổng thống Muhammadu Buhari đã sa thải các giám đốc an ninh và bổ nhiệm các chỉ huy quân sự hàng đầu mới.