Mực nước dâng cao hơn bình thường, vì sao thủy điện Sơn La không xả lũ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến sáng 28/9, mực nước hồ thủy điện Sơn La đã cao hơn mực nước dâng bình thường 0,3m, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình cũng xấp xỉ mực nước dâng bình thường nhưng phía Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn đề nghị không xả lũ. 

Do thượng nguồn có mưa lũ lớn nên lượng nước về thủy điện Sơn La cao, mực nước tại hồ thủy điện này đã vượt quá mực nước dâng bình thường.

Tại cuộc họp về quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng diễn ra sáng 28/9, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thông tin, theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng (tại Quyết định số 740 của Thủ tướng Chính phủ năm 2019), từ ngày 16/9 đến ngày 30/9, hồ Sơn La, Hòa Bình chỉ được tích nước nước dần đến mực nước dâng bình thường. Cụ thể, hồ Sơn La không quá 215m và hồ Hòa Bình không quá 117m.

Tuy nhiên, theo cập nhật đến sáng 28/9, mực nước tại hồ Sơn La đã vượt cao trình mực nước dâng bình thường, đạt 215,39m (cao hơn khoảng 0,3m). Còn tại hồ Hòa Bình chỉ thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 0,8m. Như vậy, theo quy định, hồ Sơn La sẽ phải xả nước để đảm bảo an toàn công trình hồ chứa thủy điện và vùng hạ du.

Mực nước hồ thủy điện Sơn La hiện cao hơn mực nước dâng bình thường 0,3m

Mực nước hồ thủy điện Sơn La hiện cao hơn mực nước dâng bình thường 0,3m

Song ngày 24/9 Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đề nghị cho phép tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La cao hơn mực nước dâng bình thường. Trong khi đó, có 5/6 đơn vị tư vấn kiến nghị mở cửa xả đáy hồ Sơn La. Nhưng đến trưa ngày 28/9, hồ Sơn La vẫn chưa mở cửa xả đáy hồ Sơn La.

Tại cuộc họp khẩn vào sáng 28/9, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trong 5 ngày tới (đến ngày 3/10), mực nước đổ về hồ thủy điện Sơn La bình quân khoảng 3.400m3/giây; đến ngày 4/10 sẽ có đợt không khí lạnh cường độ tương đối mạnh di chuyển xuống nước ta, tiếp tục gây mưa khá lớn tại phía Bắc, tập trung vào khu vực Việt Bắc và Đồng bằng Bắc bộ. Do đó, tổng lượng nước bình quân đổ về hồ Sơn La từ ngày 4 đến 14/10 khoảng 2.900m3/giây.

Trong khi đó, nếu phát điện tối đa công suất, tổng lưu lượng xả của hồ Sơn La chỉ đạt 2.700m3/giây. Như vậy, nếu không mở cửa xả đáy thì có thể mực nước hồ Sơn La sẽ tiếp tục dâng cao do tổng lưu lượng đổ về lớn hơn tổng lưu lượng xả.

GS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh: Theo khoản 3, điều 9 của Quyết định 740, việc cho phép tích nước hồ Sơn La cao hơn mực nước dâng bình thường (217m) chỉ được áp dụng khi hạ du có lũ và được phép tích đến cao trình 217,83m với dung tích tăng thêm 634 triệu m3 để tránh nguy cơ lũ chồng lũ.

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Trưởng phòng Quản lý nước mặt, Bộ TN-MT, giai đoạn từ ngày 13/8 đến nay, mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn sông Hồng dâng tương đối nhanh so với năm trước. Cụ thể, mực nước hồ Sơn La tăng 18m so với cùng kỳ năm 2019.

“Hiện nay, mực nước hồ Sơn La đã cao hơn mực nước dâng bình thường 0,3m. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị cho phép duy trì mực nước cao hơn mực nước dâng bình thường, nhưng không nói rõ là cao hơn bao nhiêu. Do đó, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai”, ông Hà nói.

Cũng theo đại diện Bộ TN-MT, trước mắt có thể duy trì mực nước hồ Sơn La ở cao trình 215m nhưng phải giảm dần mực nước hiện nay xuống thấp, nếu tích nước quá cao trong thời gian dài sẽ rất khó xử lý khi có các tình huống bất lợi, nhất là khi đầu tháng 10 lại có đợt mưa mới do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phải cung cấp dữ liệu, nhất là dự báo khí thượng thủy văn trước 14h chiều 29/9 để tính toán vận hành liên hồ chứa, phòng tránh các tình huống bất trắc xảy ra.

Đồng thời, phải báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để xem xét, quyết định.