Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, dù khái niệm “chuyển đổi số” gần như đã trở thành khẩu hiệu của không ít doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) vừa phát hành sổ tay chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất công nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 vừa phát hành.

Sổ tay trích dẫn báo cáo mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp sản xuất “Đánh giá sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Bộ Công Thương Việt Nam và các đối tác thực hiện, cho thấy: Ngành Công Thương nói chung chưa có sự chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với mức sẵn sàng toàn ngành là 0,53 điểm trong thang 5 điểm.

Trong số 17 ngành công nghiệp khảo sát, chỉ có ngành khai thác dầu khí là đang ở mức bắt đầu tham gia CMCN 4.0 với mức sẵn sàng là 1,16 điểm. Như vậy, trừ khai thác dầu khí (thuộc nhóm khai khoáng), điểm số thấp phản ánh bức tranh chung của các ngành sản xuất.

Điểm rất đáng lưu ý là các ngành chủ lực, có tỷ lệ xuất khẩu cao, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn như dệt may, da giầy lại là những ngành có điểm sẵn sàng thấp nhất và tỷ lệ doanh nghiệp đứng ngoài cuộc cao nhất.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành cao su và nhựa, cơ khí, dệt, may và da giày, tỷ lệ các doanh nghiệp đứng ngoài cuộc ở mức rất cao, trên 90%. Các doanh nghiệp thuộc các ngành dầu khí, điện, khí đốt, nước; hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản phẩm điện tử có tỷ lệ doanh nghiệp đứng ngoài CMCN 4.0 thấp hơn 75%.

Nhìn từ một góc độ khác - mức độ sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 của Việt Nam so với quốc tế, Việt Nam vẫn nằm ở góc phần Tư thứ nhất, nghĩa là nền công nghiệp sinh sau đẻ muộn (tuy không quá non trẻ và đã có những thành tựu nhất định) và tiềm năng trung bình thấp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển vững mạnh.