Thảo luận về Thuế thu nhập cá nhân:

Mức chịu thuế không nên quy định cứng nhắc

ANTĐ - Chiều 5-11, các ĐBQH tập trung thảo luận tại tổ xung quanh dự thảo Luật hòa giải cơ sở và Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi. Với Luật thuế TNCN, đa số ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 9 triệu đồng. Các ĐBQH cũng cho rằng, về lâu dài không nên quy định mức chịu thuế bằng một con số cứng nhắc…

Tại sao chúng ta lại đề xuất mức chịu thuế TNCN là 9 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 3,6 triệu đồng? Con số đặt ra này phải có cơ sở và phải đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người dân cũng như nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Phân tích trên cơ sở đó, các ĐBQH của đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, việc sửa Luật Thuế TNCN thời điểm này là rất cấp bách bởi nhiều quy định không còn đáp ứng nhu cầu hiện tại. ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam lý giải: chi phí giáo dục, y tế, xăng dầu, lương thực… tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống người có thu nhập. Vì vậy, việc nâng mức khởi điểm nộp thuế TNCN lên 9 triệu đồng là hợp lý, còn nếu quy định ở mức 7,6 triệu đồng hay thấp hơn thì sẽ rất khó khăn cho những người có thu nhập ở khoảng này có thể đảm bảo được đời sống.

ĐBQH Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (đoàn Hà Nội) phân tích thêm, mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng cơ bản phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên nó sẽ nhanh chóng lạc hậu bởi các yếu tố của thị trường, điều kiện kinh tế liên tục thay đổi. Vì vậy, về lâu dài không nên quy định mức chịu thuế bằng một con số cứng nhắc để tránh phải sửa đổi, điều chỉnh nhiều lần. ĐBQH Nguyễn Minh Quang đề xuất, nên dựa vào mức lương tối thiểu sau đó nhân với một hệ số nhất định, chẳng hạn nhân với 5 hoặc 6 lần mức lương tối thiểu, để ra được một mức khởi điểm chịu thuế TNCN, như vậy sẽ vừa đảm bảo tính phù hợp vừa có tính bền vững, lâu dài. 

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội (đoàn Hà Nội) cho rằng, có thể điều chỉnh mức chịu thuế bằng cách lấy mức lương cơ bản nhân với hệ số lạm phát. Chẳng hạn, năm 2012, chỉ số lạm phát là 8%, vậy lấy mức lương cơ bản là 1.050.000 đồng nhân với 8, như vậy sẽ ra mức khởi điểm chịu thuế TNCN. ĐB này cũng cho rằng, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người chịu thuế TNCN bởi với mức lương chịu thuế hiện nay thì chỉ đủ nuôi sống bản thân chứ khó phụ cấp thêm được cho người khác.

Đa số các ĐBQH cũng cho rằng, Luật Thuế TNCN sửa đổi, đặc biệt việc điều chỉnh mức lương khởi điểm chịu thuế nên được thực hiện càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1-1-2013, để người chịu thuế đỡ gánh nặng.