Mùa Xuân mới của kẻ từng hút thuốc phiện thay cơm

ANTĐ - Giữa dòng người hối hả, phố xá ồn ào ngày đầu năm, hình ảnh của Sơn Lâm gợi lên cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Vui mừng, xúc động, cảm phục những việc làm và ý chí vươn lên của anh để tìm lại niềm vui, hạnh phúc và những cống hiến sau chuỗi ngày đắm chìm trong tận cùng của lầm lỗi.

Mùa Xuân mới của kẻ từng hút thuốc phiện thay cơm ảnh 1

Hút thuốc phiện thay cơm

“Đằng đẵng bao nhiêu năm, tôi dính vào “nàng tiên nâu”. Hút ngày chưa đủ, có những đêm tôi rủ cả lũ bạn thức trắng thay nhau làm “dân bẹp”. Cứ ngỡ như thế là cuộc đời được lên tiên, nhưng có lúc sực tỉnh lại thấy đó là địa ngục” - Sơn Lâm (ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mở đầu câu chuyện với tôi như vậy. 

Nhiều năm trước, Lâm khét tiếng ở Buôn Ma Thuột về sự ngổ ngáo và có thể hút thuốc phiện thay cơm. Là con trai trong một gia đình khá giả, nhưng rồi từng món đồ quý giá trong nhà đều bị Lâm “nướng” hết vào ma túy. Bao đêm người mẹ khóc đến cạn nước mắt vẫn không thể kéo Lâm ra khỏi cám dỗ của “ả Phù Dung”. Khi nhà không còn gì trong nhà để bán, Lâm đi cướp để rồi sau đó phải sống kiếp “áo số, cơm cân”. Ngày đầu tiên vào tù, Lâm gào lên và không tin rằng mình lại bị truy bắt sớm đến thế.

Cứ ngỡ sau lần trả án này, Lâm sẽ hoàn lương. Nhưng vừa ra trại được ít hôm, Lâm lại bập vào ma túy, gây rối và trộm cướp. Lần thứ hai ngồi sau song sắt, hình ảnh cha mẹ già đi vay từng xu mua đồ tiếp tế rồi lọm khọm lên thăm khiến Lâm thực sự xót xa. Lâm tâm sự: “Những đêm mưa lạnh thức trắng trong tù, tôi mới thấy buồn và ân hận. Ám ảnh nhất là những ngày xuân trong trại giam, cảm giác như mình chỉ là người thừa trong xã hội này vậy. Nhớ cha mẹ, gia đình, nhớ những bữa cơm đoàn tụ đến cháy bỏng”. Trong trại giam thời gian đầu, mọi sự giáo dục của cán bộ, Lâm không bao giờ để tâm. Công việc cải tạo, Lâm cũng chỉ làm qua loa cho có vì trong lòng luôn nung nấu ý định quay về con đường tội lỗi. Nhưng rồi, hình ảnh nhọc nhằn và già nua của cha mẹ đã đánh thức tính thiện trong Lâm. 

Mùa Xuân mới của kẻ từng hút thuốc phiện thay cơm ảnh 2

Cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của Lâm đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lầm lỡ

Hoàn lương giúp người lầm lỡ

Sau khi con trai vào tù lần thứ hai, ông Sơn Sển (cha Lâm) tối ngày không dám ló đầu ra ngoài vì sợ thiên hạ cười chê. Rồi bỗng một ngày, Lâm cải tạo tốt nên được giảm án trước thời hạn. Nỗi hoài nghi, lấn bấn của vợ chồng ông Sơn Sển về việc con trai sẽ quay lại con đường tội lỗi nhanh chóng tan biến khi thấy Lâm miệt mài lấy những gốc cây khô trên rừng, đi nhặt nhạnh những tàu dừa, vỏ dừa khô về chất đống trong nhà sau đó biến thành những món đồ mỹ nghệ cực đẹp và tinh xảo.

Ông Sển bảo: “Tôi như không tin vào mắt mình. Thằng Lâm biến được tất cả những thứ phế thải ấy thành các dụng cụ như: giỏ hoa, giỏ đựng ấm chén, lục bình… Xưa kia nó chưa từng học nghề mỹ nghệ lấy một ngày mà giờ đây quyết tâm cao lắm”. Rồi ông Sển vỡ lẽ, hóa ra con trai mình có được tay nghề đó là do cán bộ trại giam dạy cho từ những ngày trong tù. Lâm nói chắc như đinh đóng cột: “Mùa xuân năm 2016, con sẽ có xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ từ phế phẩm. Sẽ có một cô gái hiền thục mang về ra mắt cha mẹ, sẽ giúp đỡ được hàng loạt người lầm lỡ có công ăn việc làm”. 

Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng thấy con có quyết tâm, ông Sơn Sển mừng ra mặt. Ông Sển quyết định vét ít tiền còn lại trong nhà để đầu tư cho Lâm. Được một người bạn tốt bụng trợ giúp chọn cho địa điểm giới thiệu các sản phẩm nên Lâm đã có cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy  cơ sở chưa phải là lớn, nhưng ít nhất Lâm có thể tạo công ăn việc làm cho hàng chục người.

Đầu năm 2015, dù khó khăn còn chồng chất, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nhưng nhờ ngày đêm miệt mài Lâm đã sáng tạo ra các mẫu mới nên khách đến đặt hàng liên tục. Không nghĩ đến lợi nhuận cho bản thân, Lâm đi tiếp cận hàng chục người từng lầm lỗi như mình để tập hợp lại cùng sản xuất. Học được cái gì, Lâm truyền hết cho người đồng cảnh cái đó. Cuối năm 2015, điểm sản xuất mỹ nghệ của Lâm luôn nhộn nhịp khách hàng. Những người từng lầm lỡ làm cùng Lâm, ai cũng có thu nhập trên 3 triệu/tháng.

Lâm tâm sự: “Vậy là điều hạnh phúc nhất với tôi đã đến. Hạnh phúc là được sáng tạo, được giúp người, được làm cho gia đình vui và lấy lại niềm tin của họ. Xuân năm 2016 với tôi thật sự là một mùa xuân hạnh phúc. Hình ảnh về những năm tháng tội lỗi đã dần ngủ quên trong ký ức”. Một mùa xuân mới, một con đường mới đang mở ra với người từng lầm lỗi như Lâm.