"Mùa trôi trên quang gánh"... của Thị!

ANTĐ - Đọc tản văn “Mùa trôi trên quang gánh” của Hương Thị, bạn đọc như đang ngồi trên chuyến tàu trở về tuổi thơ. Chuyến tàu chở những giấc mơ...

Con tàu dừng hẳn, chào mừng bạn đã đỗ xuống sân ga tuổi thơ.

Và bạn đã vào ngay mùa Tết.

“Tết bắt đầu từ bếp”, và lũ trẻ thích tết bởi sau cả năm thiếu đói, đó là những ngày chúng tôi được “ăn thả phanh, ngủ thả cửa, chơi tha hồ, chẳng vui gì bằng vui Tết no đủ”.

“Tết chẳng những được nghỉ học, được ăn ngon, được chơi bời thỏa thích, Tết còn là lúc người lớn quanh năm ki kiệt và cau có, bỗng chốc trở nên hào phóng, phát vốn cho những đứa trẻ với hi vọng năm sau làm ăn tốt hơn năm trước”. Và chợt nghe lòng mình mất mát. “Tết xưa kéo dài hơn tết nay. Người ta đi chúc nhau nhiều hơn, chuyện trò với nhau cũng nhiều hơn…”

Tết và hè, có lẽ là hai mùa mà trẻ con thích nhất.

Những ngày hè đầy ắp kỷ niệm vàng hươm buổi sáng, chói chang buổi trưa, gàu nước mát lịm, trong vắt múc lên từ dưới giếng bắt đầu mỗi buổi chiều và cả những buổi tối rộn ràng chơi trốn tìm hay đột kích vào vườn nhà hàng xóm.

Rời xa xóm nhỏ tới những cánh đồng, bạn đang về ngang mùa gặt, nghe mùi rơm rạ mới. Những que kem mát lạnh mùa hè, mà có khi phải đổi bằng nhiều lằn roi của mẹ, vì cái tội mang đồ trong nhà đi đổi vẫn mát lạnh và thơm. Bánh khoai khô, xôi sắn đầu đông, bún hến… vẫn thơm ngọt ngào và dù đã no bạn vẫn muốn chìa bát ra xin thêm bát nữa.

Gom tất cả những yêu thương trong ký ức tuổi thơ, Thị gánh gồng về phố. Giữa những cơn gió lạnh, mưa rét đầu đông, Thị thò tay lấy trong gánh của mình những mảnh quà tuổi thơ và ký ức nướng trên than hồng và… nhấm nháp.

Và kìa, Thị đang chìa ra mời những du khách tới thăm những món quà quê nóng hổi. Bạn có cảm giác tuổi thơ của Thị, mà chẳng phải tuổi thơ của riêng Thị đâu, đó chính là tuổi thơ của bạn vậy.

Và như Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: “Tập sách này gọi là tản văn thì hơi chật so với những cảm xúc chảy tràn của Thị, nên cảm giác chữ này, câu này hình như vẫn chưa chở hết cái tình cảm đầm đìa ở trong lòng kia. Đọc Thị, lại như thấy một cô nàng váy áo chăm chút chia những món quà nho nhỏ đến từng người, dù là người mới gặp”.

Và đây là món quà của Thị.

Cuốn sách gồm 23 tản văn, như Gánh hàng hoa, Ngỡ ngàng tháng Tư, Rét nàng bân, Về ngang mùa gặt, Nhớ mùa xưa nước ngập, Tiếng rao trong lòng phố, Vườn xưa, Tết xưa thơ bé, Tết bắt đầu từ bếp... Các bài viết đều kèm theo nhiều hình ảnh đẹp để minh họa.

Mùa trôi trên quang gánh của những bà, những chị gánh hàng rong bạn có thể gặp dọc những con hẻm Hà Nội và ở bất cứ đâu. Mùa trôi đi trong giấc mơ bồng bềnh của Thị. Mùa trôi trên từng trang sách. Mùa trôi trên tay. Và mùa trôi trong giấc mơ của mỗi chúng ta.