Mưa to, tử thần rình rập khắp nơi

ANTĐ - Con số 200 gốc cây gục ngã khi cơn bão số 5“lướt” qua Hà Nội đủ khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố. Có cảm giác thủ đô bây giờ, chỉ cần một trận gió to cũng đủ để tử thần có cơ hội ghé thăm bất cứ người đi đường nào. 

Đại diện Công ty Công viên cây xanh chia buồn với gia đình lái xe Phạm Tuấn Anh

Cứ mưa to là đổ

Ngoài Trung tâm Khí tượng thủy văn thì đơn vị quan tâm nhất tới thông tin dự báo thời tiết của Hà Nội có lẽ chính là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh (Công ty Công viên cây xanh). Vụ tai nạn hy hữu xảy ra hôm 17-8 khiến một lái xe của hãng Taxi Mai Linh tử nạn vì cây đổ đang đặt lên vai đơn vị này một áp lực rất lớn khi bỗng dưng bị gán trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho người dân khi mưa bão. Có một thực tế đang tồn tại ở hệ thống cây xanh Hà Nội: Cứ mưa to gió lớn là cây đổ. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật là, ngoài lý do khách quan thiên tai, việc cây đổ còn do con người.

Hầu hết những cây bị đổ tại Hà Nội sau trận bão số 5 vừa qua đều có bộ rễ khá kỳ lạ, đặc biệt là những cây cổ thụ. Mặc dù thân cây to, tán khá rộng nhưng chúng đều có “phần móng” rất nông và ngắn. Về mặt sinh học, tán cây rộng đến đâu thì rễ ăn rộng đến đó. Tuy nhiên, bộ rễ lớn nhất mà người ta nhìn thấy chỉ dài không quá 2 mét bên cạnh những rễ rất nhỏ hoàn toàn ăn nổi ngay trên bề mặt. Lý do vì sao những bộ rễ này lại “biến dạng” đến như vậy? Câu trả lời không khó: Vỉa hè, lòng đường bị đào xới quá nhiều. Mặc dù về mặt lý thuyết, khi thi công các công trình ngầm, đơn vị đào đường không được làm ảnh hưởng tới cây xanh. Nhưng thực tế không như vậy.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng – Tổng thư ký Hội các ngành sinh vật Việt Nam khẳng định: “Bộ rễ của cây bị ngắn như vậy chắc chắn là do con người vô tình hay cố ý đã chặt bớt khi họ đào xới hè đường. Nếu ví cây xanh như một tòa nhà cao tầng thì việc làm này đã tác động trực tiếp tơi chân móng khiến cho nó mất chỗ dựa. Một khi móng yếu thì việc đổ nhà chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi”. Điều đáng bàn ở đây là, việc chặt bớt rễ cây rất khó phát hiện bởi sau khi đã lấp đất chẳng ai có thể đào lên để kiểm tra. Cũng chẳng có máy móc nào có thể dò tìm bộ rễ của từng cái cây trên khắp thành phố để xem nó dài hay ngắn mà phòng tránh.

Bên cạnh đó, một thực tế khác đang tồn tại là có hàng búi dây điện, dây viễn thông, cáp truyền hình… cũng giăng mắc như mạng nhện ngay bên trên những cây xanh này, tiềm ẩn nguy cơ như một chiếc bẫy mỗi khi có sự cố. Ông Dương Thiên Tước - giảng viên trường Đại học Nông nghiệp bổ sung thêm một lý do khác, đó là mực nước ngầm của Hà Nội khá cao, nhưng lại bị ô nhiễm nặng từ hệ thống nước thải ngay dưới chân gốc cây. Nguồn nước này có rất nhiều chất hữu cơ gây hại chủ yếu là CH4 và SH2. Chính vì thế, rễ cây không phát triển ăn sâu xuống được và đa phần bị thối. Chỉ có một phần những rễ nhỏ là ăn lan trên bề mặt khiến cho cây mất đi sự vững chãi vốn có. Lý do này có vẻ hợp lý khi thực tế các cây bị bật gốc vừa qua đều để lại một chiếc hố sũng nước.

Trăm dâu đổ đầu tằm

Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết: “Mỗi khi cây đổ, người dân hầu hết đều quy trách nhiệm cho chúng tôi mà họ không hiểu rằng, có cả nghìn lý do bất khả kháng. Đơn cử như vụ cây đổ ở phố Lò Đúc khiến 1 lái xe hãng Mai Linh tử nạn. Thông thường, với những cây nguy hiểm, chúng tôi có 3 nguồn thông tin. Một là khảo sát định kỳ, hai là dân báo qua đường dây nóng, ba là từ công văn đề nghị xử lý của chính quyền địa phương. Với trường hợp này, sổ theo dõi thông tin của đường dây nóng chưa hề tiếp nhận bất kỳ một thông tin nào phản ánh về nguy cơ cây đổ hoặc công văn của UBND phường. Trong hồ sơ khảo sát thì chúng tôi cũng đã tỉa cành cho toàn bộ những cây nặng tán của phố Lò Đúc. Hơn nữa, Công ty Công viên cây xanh chỉ là một đơn vị làm dịch vụ công ích hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách, việc chặt tỉa hay đốn hạ cây cũng không thể chúng tôi muốn là được vì còn phải được sự đồng ý của nhiều đơn vị liên quan. Do đó nói chúng tôi không có trách nhiệm là không thực tế”.

Thông thường việc chặt hạ một cây xanh trên địa bàn thành phố phải qua rất nhiều quy trình. Đầu tiên là Công ty Công viên cây xanh lập hồ sơ khảo sát và bắt buộc phải được sự xác nhận của UBND phường sở tại. Hồ sơ này sau đó được các chuyên gia liên ngành (Thanh tra xây dựng, Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị…) kiểm tra lại và trình Sở Xây dựng ký duyệt. Với những cây cổ thụ thì còn phải xin ý kiến của UBND thành phố. Cũng cần nói thêm rằng, hệ thống cây xanh của Hà Nội hiện có tới 6 đơn vị cùng tham gia quản lý và được phân trách nhiệm theo từng địa bàn. Nhưng với sự bất cẩn và thiếu ý thức của một số đơn vị khi thi công công trình riêng của ngành mình - vốn đang khá phổ biến tại Hà Nội thì việc tác động xấu đến hệ thống cây xanh là hoàn toàn chính xác.

Liên quan tới việc lái xe Phạm Tuấn Anh tử nạn vì cây đổ hôm 17-8, lãnh đạo Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh cho biết, đại diện công ty cũng đã tới thăm viếng và thắp hương chia buồn cùng gia đình.

Đây cũng là hành động thể hiện sự chia sẻ với nỗi mất mát trong khi hoàn cảnh của lái xe Tuấn Anh còn quá nhiều khó khăn. Ở góc độ tình người, lãnh đạo công ty cũng sẵn sàng tạo điều kiện công ăn việc làm cho chị Nguyễn Ngọc Ánh (vợ anh Tuấn Anh) vào làm việc tại công ty nếu gia đình có nhu cầu.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn, cán bộ công nhân viên công ty cũng phát động một đợt quyên góp ủng hộ tài chính giúp đỡ cho hai cháu nhỏ của nạn nhân có điều kiện ăn học - ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết.