Mùa thu, nhớ vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long

ANTD.VN - Ngay từ những năm 1960, UBND TP Hà Nội đã nghĩ tới việc dựng tượng  Lý Công Uẩn để người dân được chiêm bái vị vua đã khai sáng kinh thành Thăng Long. Tuy nhiên mong muốn ấy không thực hiện được vì chiến tranh, vì kinh tế khó khăn. Và phải đến năm 2001, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương dựng tượng Lý Công Uẩn vào năm 2005, năm kỷ niệm 995 năm Ngài định đô. Thế nhưng năm 2004 lại là năm kỷ niệm 50 năm ngày tiếp quản Thủ đô nên lãnh đạo thành phố muốn dựng tượng trong năm này... 

Mùa thu, nhớ vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long ảnh 115 năm đã qua, vị trí dưới chân tượng vua Lý Công Uẩn đã trở thành nơi tổ chức các sự kiện lớn của đất nước cũng như Thủ đô Hà Nội 

Lý Công Uẩn sinh năm 974 mất ngày 3-3 năm Mậu Thìn (tức ngày 31-3-1028) người làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Sử sách chép rằng, có một người phụ nữ nghèo đến chùa Cổ Pháp làm thuê, sư Lý Khánh Vân đã đi lại và cô gái này có thai. Sau khi sinh nở, cô gái bọc  đứa con còn đỏ hỏn bỏ trước cửa chùa, sư Lý Khánh Vân thấy hài nhi bị bỏ rơi liền mang về nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn. Ngay từ bé cậu bé Uẩn đã khôi ngô, dĩnh ngộ.

Càng lớn, Lý Công Uẩn càng già dặn hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Sư Khánh Vân dạy chữ nhưng cậu học một biết mười nên chẳng bao lâu sư Khánh Vân cạn vốn chữ nghĩa đành phải gửi Lý Công Uẩn sang chùa Từ Sơn cho người em ruột là sư Vạn Hạnh nuôi và dưỡng. Vạn Hạnh nổi tiếng uyên bác về văn chương nhận ngay ra Lý Công Uẩn có thể là bậc minh chủ trong thiên hạ bèn dốc lòng dạy dỗ. Khi Lý Công Uẩn trưởng thành, sư Vạn Hạnh tiến cử vào triều vua Lê Đại Hành và đến đời vua Lê Ngọa Triều được thăng tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, tức là chỉ huy đội quân bảo vệ kinh đô.

Ngọa Triều mất, chấp nhận lời yêu cầu của các quan, Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra triều đại nhà Lý năm 1009 thay thế nhà tiền Lê, lấy miếu hiệu là Thái Tổ. Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968-979) và tiền Lê (980-1009) nằm ở vùng núi non hiểm trở với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh thắng, thoái có thể bảo vệ) song vị vua 35 tuổi không muốn ở mãi nơi rừng xanh núi thẳm vì như vậy thì vua của một nước mà chẳng khác gì một tộc trưởng nên Ngài quyết định dời đô ra thành Đại La cũ.

Và mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn cùng quần thần lên thuyền theo sông Đáy đến Hà Nam rẽ vào sông Nhuệ, từ sông Nhuệ đi vào sông Tô Lịch và thuyền dừng chân ở bến trên đất làng Nghĩa Đô (nay thuộc phường Nghĩa Đô). 

Trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn viết: “Thành Đại La ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc; tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất nước, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương là nơi đô thành bậc nhất của đế vương”.

Trong “Đại Việt sử ký tiền biên”, sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá việc dời đô của Lý Công Uẩn như sau: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có, phía Tây thông với Sơn Tây,Tuyên Hưng, phía Bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền Đông Nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng trạm là nơi bốn phương của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài. Có thể làm nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt không nơi nào hơn được nơi này... Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể làm được”.

Một ông vua trẻ quyết dời đô là khát vọng muốn đưa Đại Việt tồn tại bình đẳng như các Nhà nước phong kiến khác trong khu vực và sẵn sàng chấp nhận đương đầu với giặc giã. Việc dựng kinh đô và đặt tên là Thăng Long chỉ là hành động cụ thể đưa Đại Việt lên một vị trí cao trong thiên hạ. 

Dựng tượng Lý Công Uẩn rõ ràng không khó với các nhà điêu khắc nhưng để nó là tác phẩm nghệ thuật thật chẳng dễ. Tư liệu về việc dời đô dù  thiếu nhưng cũng tạm đủ để các nhà điêu khắc hình dung. Tuy nhiên, Lý Công Uẩn mặt mũi ra sao, hình dạng thế là câu hỏi không dễ trả lời. Hình ảnh vua chúa, tướng lĩnh, danh nhân các thế kỷ trước đều không có hình vẽ, tượng để lại, cũng không được mô tả kỹ lưỡng ngoài những dòng ca ngợi ngắn mang tính ước lệ, tượng trưng do tình cảm tôn vinh của người chép sử hoặc dân gian truyền lại. Khi viết về Lý Công Uẩn sử chép chỉ có mấy dòng  “người khoan thứ, nhân từ” sẽ là “bậc minh chủ trong thiên hạ” nhưng điểm mờ trong lịch sử lại là thách thức thú vị với các nhà điêu khắc... 

Và rồi đúng 9 giờ sáng, giờ đẹp nhất trong ngày 17-8-2004 (tức ngày 2-7-2004 âm lịch), UBND TP Hà Nội đã làm lễ khởi công công trình xây dựng tượng vua Lý Công Uẩn tại vườn hoa Chí Linh theo nghi thức truyền thống. Và cũng đúng 9 giờ sáng, giờ đẹp nhất trong ngày 7-10-2004 (tức ngày 24-8-2004 âm lịch), UBND TP Hà Nội đã làm lễ khánh thành tượng. 15 năm đã qua, vị trí dưới chân tượng trở thành nơi tổ chức các sự kiện lớn của đất nước cũng như Thủ đô Hà Nội và ngày nào cũng có du khách đến chiêm bái và đặt hoa. 

Mùa thu, nhớ vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long ảnh 2

“Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể làm được”. Một ông vua trẻ quyết dời đô là khát vọng muốn đưa Đại Việt tồn tại bình đẳng như các Nhà nước phong kiến khác trong khu vực và sẵn sàng chấp nhận đương đầu với giặc dã. Việc dựng kinh đô và đặt tên là Thăng Long chỉ là hành động cụ thể đưa Đại Việt lên một vị trí cao trong thiên hạ”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến