Mua thiết bị đấu giá 100 triệu đồng, phù phép thành… 130 tỷ đồng

ANTĐ - “Đạo diễn chính” của phi vụ mua bán gian dối này là Vũ Quốc Hảo (SN 1955), nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê Tài chính II (Công ty ALCII). Hảo cũng là bị can đầu vụ trong vụ án xảy ra tại Công ty ALCII, vừa bị Viện KSND Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố (Báo ANTĐ đã thông tin).

Hành vi sai phạm của Hảo bị xác định trong bản kết luận điều tra vụ án hình sự về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty ALCII; Công ty CP Cát Long Hải và một số đơn vị liên quan, vừa được CQĐT Bộ Công an gửi đến Viện KSND Tối cao. Có 10 bị can bị CQĐT đề nghị truy tố về các hành vi nêu trên. Ngoài Hảo còn có 4 bị can nguyên là Phó Tổng giám đốc, Trưởng, phó phòng thuộc Công ty ALCII. 5 bị can còn lại gồm: Hoàng Lộc, Tổng giám đốc Công ty CP giám định Việt Nam               (Vivaco); Lê Phúc Đức, Trưởng phòng giám định kỹ thuật Vivaco; Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuân Việt; Vũ Đức Hoà và Lê Thị Minh Huệ, Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải.

Năm 2003, Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo thành lập công ty Cát Long Hải, phân công Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT; Vũ Đức Hoà làm Giám đốc. Năm 2006, Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, điều hành công ty ALCII, và đã để phát sinh thua lỗ, nợ xấu. Với mục đích sở hữu gần 90.000 m2 đất trạm dừng chân Miền Tây tại Cái Bè, Tiền Giang và có tiền thanh toán nợ xấu, Vũ Quốc Hảo đã bàn bạc với Phạm Minh Tuấn thực hiện việc hợp pháp hoá nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2, là tài sản do một doanh nhân người Nhật giao cho công ty Cát Long Hải sử dụng. Các bị can đã cố tình vận chuyển thiết bị lặn ra Hải Phòng để cơ quan Hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với số tiền 100 triệu đồng. 

Sau khi hợp pháp hoá được nguồn gốc, Hảo chỉ đạo nhân viên công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, để thẩm định, nâng giá thiết bị lặn lên 130 tỷ đồng. Tiếp đó, Vũ Quốc Hảo làm mọi cách để giải ngân 130 tỷ đồng trên. 

Bị can Hoàng Lộc được xác định đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền là Lê Phúc Đức lập khống biên bản giám định hiện trường, không kiểm tra thực tế thiết bị, lập Chứng thư thẩm định ghi giá 130 tỷ đồng theo đề nghị của Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hoà, Lê Thị Minh Huệ và ký phát hành cho công ty Cát Long Hải.