Mua tên lửa HQ-9 Trung Quốc giá rẻ, Thổ Nhĩ Kỳ trả giá đắt về chính trị

ANTĐ - Vừa qua, quyết định chọn mua hệ thống phòng không Hồng Kỳ-9 (HQ-9) Trung Quốc của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho chính những đồng minh của họ. Đằng sau sự việc này còn kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Bài viết trên trang mạng “Báo Thế giới” (Die Welt) của Đức cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chọn mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc mà không phải là các hệ thống phòng không tiên tiến của Mỹ và NATO. Điều này không chỉ đơn thuần là vấn đề không mua vũ khí của “bạn bè”, mà còn nói lên một sự thật Thổ Nhĩ Kỳ đang dần rời xa phương Tây?

Quyết định này của Thổ Nhĩ Kỳ làm Mỹ rất kinh ngạc, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã từng 2 lần lên tiếng cảnh cáo cá nhân Thủ tướng Thổ Nhĩ Tayyip Erdogan là không nên mua các hệ thống phòng không ngoài NATO, đặc biệt là của Trung Quốc. Thế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định mua HQ-9 với lí do giá thành rẻ và những ưu đãi trong chuyển giao công nghệ và sản xuất.

Đây quả thực là một quyết định làm các đồng minh của họ tức giận, tờ “Times” phiên bản tiếng Anh của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một quan chức quân sự cao cấp giấu tên của nước này: “Mỹ rất không hài lòng về quyết định của đồng minh, Tổng thống Mỹ Obama đã 2 lần đề cập đến vấn đề này với Thủ tướng Erdogan trong cuộc hội đàm giữa 2 vị nguyên thủ và nhắc nhở nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua HQ-9 của Trung Quốc, hệ thống phòng không này sẽ không thể kết nối với các hệ thống của NATO”.

Từ quan điểm kinh tế, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có phần nào đó thông cảm được, Bắc Kinh đưa ra cái giá có hơn 3 tỷ USD, hiển nhiên là giúp Ankara tiết kiệm được 1 tỷ USD, lại kèm theo những ưu đãi về chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất, giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao năng lực của nền công nghiệp quốc phòng.

Thế nhưng. Thổ Nhĩ Kỳ mua được vũ khí giá rẻ nhưng họ phải trả cái giá quá đắt về chính trị.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc

Đương nhiên là Mỹ và NATO không đồng thuận cho phép hệ thống phòng không HQ-9 kết nối với các hệ thống thông tin chỉ huy, cảnh báo sớm và các hệ thống chia sẻ số liệu phòng không, không quân của Thổ Nhĩ Kỳ theo chuẩn của Mỹ và NATO. Nếu người Thổ chấp nhận cho HQ-9 hoạt động độc lập nó sẽ không phát huy được tác dụng trong tổng thể hệ thống phòng không quốc gia của nước này.

Còn nếu Ankara và Bắc Kinh bắt tay nhau tìm cách kết nối được HQ-9 với các hệ thống này, đương nhiên sẽ làm Mỹ và NATO nổi giận. Việc để lọt các bí mật này vào tay Trung Quốc sẽ khiến Mỹ và NATO phải thay thế toàn bộ các chuẩn thông tin, mật mã truy cập các hệ thống thông tin chỉ huy, cảnh báo sớm của họ cùng các mật mã phân biệt địch ta của các hệ thống phòng không và không quân.

Và đương nhiên, lúc đó những cập nhật mới sẽ không được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Khi HQ-9 được tích hợp trong hệ thống phòng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lúc nó bị tách rời khỏi hệ thống phòng không của NATO. Lúc đó, về danh nghĩa, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên NATO nhưng về mặt quân sự, quân đội của họ đã tách rời, không còn liên hệ gì với NATO nữa, lúc đó giá của HQ-9 có rẻ không? Liệu người Thổ Nhĩ Kỳ có mong muốn điều này không?

Bài viết trên “Die Welt” phân tích tiếp, ngay từ đầu người Mỹ đã nhắc nhở, nếu Thổ Nhĩ Kỳ ham rẻ mà mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ bị cô lập về mặt công nghệ vì tên lửa nói riêng và các loại vũ khí tích hợp của Trung Quốc nói chung và NATO không thể dung hòa với nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, họ cũng sẽ bị cô lập về chính trị trong lòng NATO.

Có thể nói là, Thổ Nhĩ Kỳ mua được vũ khí rẻ nhưng lại trả giá quá đắt về chính trị.