Mua, sử dụng giấy phép lái xe ôtô giả có thể bị phạt 12 triệu đồng, phạt tù tới 7 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hơn 1 năm hoạt động, thông qua các trang mạng xã hội, chia thành nhiều nhóm nhỏ, ước tính đường dây làm giả Giấy phép lái xe liên tỉnh với 44 đối tượng, tham gia thu lợi 20 tỷ đồng.

Mua và sử dụng GPLX giả: Tiền mất tật mang

Mới đây, Phòng CSHS - CATP Hà Nội vừa phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ triệt phá 5 ổ nhóm làm giả Giấy phép lái xe (GPLX - còn gọi là Bằng lái xe) ôtô, môtô có quy mô liên tỉnh, tạm giữ 44 đối tượng liên quan để điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015. Hai đối tượng cầm đầu ở tỉnh Nam Định, thuê nhà tại Hà Nội để điều hành các đường dây trên...

Thực tế cho thấy, hầu hết những người mua và sử dụng GPLX giả phần lớn chưa học lái xe tại các trung tâm đào tạo đủ điều kiện, hoặc có học nhưng chưa thi, thi trượt... nên chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, chi phí cũng là một nguyên nhân. Để sở hữu GPLX hạng B2 do cơ quan chức năng cấp, cá nhân phải tham gia học và thi sát hạch với chi phí hàng chục triệu đồng, còn mua GPLX chỉ mất vài ba triệu đồng.

Ngoài ra, nếu như tham gia học và sát hạch, người học sẽ mất ít nhất 3 tháng, trong khi mua GPLX giả lại khá đơn giản, không mất thời gian. Do đó, thay vì tham gia khóa đào tạo lái xe nhiều người đã liều mua GPLX giả, đặt làm giả, hòng qua mặt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông.

Các đối tượng tham gia đường dây làm giả GPLX thu lợi 20 tỷ đồng
Các đối tượng tham gia đường dây làm giả GPLX thu lợi 20 tỷ đồng

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc mua và sử dụng bằng lái xe máy, ôtô giả sẽ khiến nhiều người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” vì thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã áp dụng cấp giấy phép lái xe mới bằng thẻ PE.

Chữ được in trên thẻ phủ một lớp phủ bóng không mờ cùng với công nghệ in dấu đặc biệt, kèm theo là mã vạch. Do đó Bằng lái xe rất khó làm giả và nếu làm giả cũng dễ dàng bị phát hiện bởi máy quét mã.

Bên cạnh đó, Bằng lái xe dạng mới cũng được tích hợp trên hệ thống dữ liệu lưu trữ riêng. Toàn bộ thông tin của người lái từ lúc học thi bằng đến các lỗi vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia lưu thông đều được ghi lại rõ ràng. Công nghệ hiện đại này giúp các cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm tra và phát hiện sai phạm gần như ngay lập tức nếu sử dụng bằng giả.

Sử dụng GPLX giả có thể bị phạt tù tới 7 năm

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, pháp luật hiện hành đã quy định rõ chế tài xử lý đối với người có hành vi sử dụng Bằng lái xe giả. Về xử phạt hành chính, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ. Cũng với những hành vi trên, mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 2-4 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

Đặc biệt, Nghị định 123/2021 quy định phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi: Có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng; sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ.

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển, hoặc có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên; không có Giấy phép lái xe, hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân sử dụng Bằng lái xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Người điều khiển xe máy, ô tô không có bằng lái chuẩn, không trải qua các lớp học kỹ năng và nắm vững lý thuyết là nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác.

Để giải quyết tận gốc việc mua, bán, sử dụng bằng lái xe giả, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe - Luật sư Hồng Vân đề xuất.