Mua sắm xe công: Nhiều đơn vị "vung tay quá trán"

ANTD.VN - Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng 26-8 cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty đã mua sắm ô tô vượt mức cho phép cả tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán sơ bộ cũng cho thấy, nhiều dự án BOT quản lý lỏng lẻo, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý.

Mua sắm xe công: Nhiều đơn vị "vung tay quá trán" ảnh 1Việc sử dụng xe công sai quy định gây lãng phí lớn cho ngân sách

5/38 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ

Năm 2015, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty. 

Đánh giá chung cho thấy, do kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo và còn nhiều bất ổn, biến động phức tạp; kinh tế trong nước có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp đã gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh nên hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút. 5/38 tập đoàn, tổng công ty hoạt động thua lỗ. Đơn cử, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam -Vinalines lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam  - Vinaincon lỗ hơn 131 tỷ đồng, Tổng Công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng…

Qua kiểm toán, các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty được điều chỉnh tăng 6.220 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phải nộp thêm 4.562,81 tỷ đồng; Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) phải nộp thêm 758,35 tỷ đồng; Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải nộp thêm 210,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thông tin di động VMS (Mobifone) phải nộp thêm 201 tỷ đồng; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) phải nộp thêm 128,3 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp thêm 99,22 tỷ đồng...

Đáng chú ý, báo cáo kiểm toán cho thấy một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định. KTNN chỉ rõ, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) - Công ty mẹ mua xe Toyota 4Runner giá 2,25 tỷ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép tới 1,21 tỷ đồng. Công ty CP Xây dựng số 1 - Việt Nguyên mua xe Mercedes Benz và thanh lý xe Audi không đúng quy chế tài chính của đơn vị.

Liên quan tới việc quản lý, sử dụng xe ô tô công, KTNN cũng chỉ rõ nhiều đơn vị sử dụng vượt định mức về số lượng xe ô tô. Cụ thể, Bộ Y tế có một số đơn vị sử dụng vượt 17 xe ô tô so với định mức quy định. Bên cạnh đó, Bộ này cũng chưa thu hồi 6 xe thuộc Dự án đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc từ 3 năm trước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng mua xe không phù hợp với mục đích trang bị diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận...

Cũng theo KTNN, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn các dự án chậm tiến độ như một số dự án thuộc các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Habeco, CC1, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị... Một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư.

Sẽ kiến nghị về khoảng cách trạm thu phí BOT 

Trao đổi với quan báo chí liên quan tới các dự án đầu tư theo hình thức BOT, đại diện KTNN cho biết, nhiều dự án quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, trong đó tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư/tổng vốn đầu tư thấp, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Huỳnh Tịnh, KTNN Khu vực 9 chỉ ra rằng, để xảy ra hiện trạng các nhà đầu tư BOT khai vống dự toán dự án là do việc xác định một số hạng mục, định mức kỹ thuật chưa được thống nhất giữa các cơ quan quản lý.

Cũng liên quan tới các trạm thu phí BOT, ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho biết, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí BOT theo quy định là 70km nhưng cũng có thêm quy định là nếu khoảng cách dưới 70km thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với địa phương và báo cáo Bộ Tài chính. “Tất cả các trạm có khoảng cách dưới 70km đều làm đúng quy trình này”, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV nói.

Đại diện KTNN cho rằng, không nên để “cơ chế mềm” như vậy. Quy định khoảng cách 70km phải rõ là 70km. Nếu để cơ chế như hiện tại, thực tế có trường hợp 2 trạm chỉ cách nhau khoảng 40km. Không những vậy, quy định hiện tại chỉ xác định khoảng cách trên một tuyến nhưng thực tế vừa ra khỏi tuyến đường này thì đã gặp ngay trạm BOT của tuyến khác. Vấn đề này sẽ được KTNN kiến nghị để điều chỉnh.