Mua sắm đồ dùng học tập: Hoa mắt vì giá

ANTĐ - Sắp vào năm học mới, đồ dùng học tập đang là một trong những mặt hàng bán chạy nhất. Sự đa dạng sản phẩm trong nước khiến nhiều phụ huynh hoa mắt không biết chọn mua sản phẩm của hãng nào trong khi cùng một nhà sản xuất cũng đã có tới cả chục sản phẩm giá hoàn toàn khác nhau.

Hiện đang là mùa cao điểm mua sắm cho năm học mới

Mỗi nhà sách một giá

Nhà sách Tiền Phong trên phố Nguyễn Thái Học tràn ngập các loại vở học sinh. Năm nay vở học sinh mẫu mã khá đa dạng in hình bắt mắt. Tuy nhiên, trong hàng chục sản phẩm, người mua khó có thể chọn lựa bởi nhà sách này không dán giá sản phẩm. Nhân viên ở đây cho biết có rất nhiều sản phẩm nên kể cả người phụ trách mặt hàng này cũng không thể nhớ hết giá. Thay vì công khai giá cho người mua nhận biết các mặt hàng thì nhân viên ở đây thông báo: “mua loại nào thì đem ra quầy thu ngân đánh mã hàng lên máy mới biết bao nhiêu tiền”. Trong khi đó, cũng ở đây bầy bán hàng chục loại bút, tẩy, đồ dùng khác nhưng vẫn có giá. Nhà sách Minh Lâm trên phố Hai Bà Trưng cũng đang đẩy mạnh phục vụ các mặt hàng đồ dùng học tập. Tuy nhiên, so sánh với một số mặt hàng cùng loại được bán tại cửa hàng Công ty Sách thiết bị trường học của Hà Nội 45 Lý Thường Kiệt thì giá cả có phần chênh lệch không nhỏ. Vở ô ly học sinh ở nhà sách này giá từ 7.000 đến 9.000 đồng/quyển. Trong khi đó, cùng mẫu mã này ở nhà sách Lý Thường Kiệt chỉ từ 4.500 đến 8.000 đồng/quyển.

Khó khăn nhất với các bậc phụ huynh có lẽ là việc lựa chọn sản phẩm nào chất lượng và giá cả phải chăng. Địa chỉ nhà sách 45 Lý Thường Kiệt thời điểm này rất đông khách mua hàng. Đây cũng là nơi tập hợp phần lớn các sản phẩm đồ dùng học sinh trong nước có uy tín như Hồng Hà, Kim Long, Habook... Với nhiều nhãn hàng như vậy, việc lựa chọn sản phẩm là không dễ. Hỏi một số học sinh đang chọn mua sách vở ở đây, các em cho biết “chọn vở của Hồng Hà thì giá không rẻ nhưng chất lượng tương đối. Tuy nhiên nếu không biết chọn thì sẽ mua phải những sản phẩm không tốt vì vở quan trọng nhất là giấy không thấm, không bị hằn chữ sang trang sau. Tốt nhất là nên chọn các loại vở có in sao ở ngoài bìa...”. Tuy nhiên, một học sinh khác cho biết, chưa hẳn cứ nhiều sao đã là sản phẩm tốt nhất. Điều này chỉ có thể tự rút kinh nghiệm trong quá trình sử dụng.

Trông mong nhiều mặt hàng được bình ổn giá

Không chỉ có vở mà các mặt hàng khác như bút viết, tẩy, hộp đựng bút, cặp sách giá cả cũng rất khác nhau. Chỉ riêng việc mua bút cho con, nhiều bậc phụ huynh cũng “méo mặt” bởi một chiếc bút máy nhãn hiệu Hồng Hà, Kim Thành hay Vạn Hoa cũng từ 30.000 đồng, đến 50.000 đồng/chiếc. “Con tôi đi học thường xuyên để quên bút hay làm rơi, hỏng bút. Tuy nhiên, cô giáo vẫn yêu cầu con viết bút máy thay vì bút bi nên mỗi lần phải mua cả 10 chiếc. Với mức giá như hiện nay thì nếu chỉ mua sách giáo khoa không thôi thì không đáng kể gì, có trên dưới 150.000 đồng/bộ nhưng mua bút thì lên tới hàng trăm nghìn đồng, chưa kể là vở mua chục quyển cũng xấp xỉ cả trăm nghìn đồng” - Chị Vũ Lan Hương, phụ huynh học sinh trường tiểu học Trưng Vương cho biết. Cũng sản phẩm bút máy học sinh, nhà sách Tiền Phong cũng bày bán không ít mẫu mã của Trung Quốc với mức giá từ 15.000 đồng đến 54.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã chọn lựa sản phẩm trong nước dù giá có cao hơn.

Chuẩn bị cho năm học mới, điều mà nhiều phụ huynh trông mong là sự tham gia bình ổn giá của nhà nước. Trong khi nhà sách Fahasa công bố giảm 5-10% giá bìa sách giáo khoa không ít phụ huynh tiếc nuối vì đã trót đăng ký mua sách giáo khoa cho con tại trường ngay từ cuối năm học trước theo đúng giá bìa. Cũng tại cửa hàng sách và thiết bị trường học 45 Lý Thường Kiệt, hàng loạt giá vở các hãng Hồng Hà, Habook đều được giảm giá từ 400- 600 đồng/quyển. Chị Nguyễn Thanh Phương, Đống Đa, Hà Nội cho biết, ngay tuần trước chị đã tranh thủ mua hết đồ dùng học tập cho con, đến tuần này quay trở lại tìm mua vài thứ còn thiếu thì mới thấy ở đây công bố giảm giá vở học sinh theo chính sách bình ổn giá. “Hóa ra cứ sốt ruột đi mua sớm lại thiệt. Xem ra bây giờ cứ phải bình tĩnh, chờ vào năm học có khi giá lại còn hạ nữa” - chị Phương tiếc nuối.