Múa rối đầy sức sống

(ANTĐ) - Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất đã khép lại thành công với 15 chương trình biểu diễn của 15 phường rối nước và rối cạn.

Sức hút của múa rối

Lần đầu tiên, rối nước và rối cạn đã cùng góp mặt trong một kỳ liên hoan múa rối. Điều này giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về múa rối Việt Nam. Thời gian vừa qua, rối cạn dân gian có vẻ ít sôi động, yên ắng hơn hoạt động rối nước. Nhưng với 4 chương trình của 4 phường rối cạn trong tổng số 15 chương trình biểu diễn, khán giả mới thấy thật ngạc nhiên khi rối cạn vẫn đầy sức sống, rất đậm đà bản sắc dân tộc từ sân khấu cho đến tạo hình con rối và thể loại diễn như Tuồng (Sơn Hậu), Chèo (Trương Viên). Đặc biệt, “Múa tứ linh” của phường Minh Tân đã đạt tới mức độ tinh xảo, sống động và không thua kém về sự hấp dẫn so với “Múa tứ linh” của rối nước.

Các tiết mục tham gia liên hoan đã thỏa mãn được yêu cầu “nghe” và “nhìn” của khán giả. Bản sắc và đặc trưng của rối nước dân gian đã được các phường tuân thủ nghiêm ngặt. Và một điều thật đáng mừng với rối nước dân gian khi có một đội ngũ kế cận hùng hậu với sự góp mặt của nhiều gương mặt “nam thanh nữ tú” tại nhiều phường múa rối.

Điều đó đã chứng minh cho sức hấp dẫn của một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam với giới trẻ. Liên hoan cũng chứng kiến sự bứt phá và xuất hiện của nhiều nhân tố mới, các tích trò mới. Vẫn có chuyện lịch sử (Lam Sơn tụ nghĩa, Lê Lợi trả gươm, Điện Biên Phủ), vẫn phản ánh được cuộc sống lao động (cày, cấy, đánh cá, nuôi vịt, câu ếch…) và còn có cả cuộc sống tinh thần, tâm linh của người Việt (lên đồng, truyền thuyết về tiên, tứ linh…).

Tuy vậy, việc đưa hơi thở của cuộc sống đương đại trong rối nước đã gặp nhiều khó khăn hơn rối cạn. Bởi sân khấu rối nước, con rối mang đầy sự ngây thơ, lãng mạn nên những gì thô kệch, trắng trợn đều không thích hợp và khó dung nạp được. Còn việc diễn tả nội tâm nhân vật, thể hiện tình cảm dường như “quá tầm”với rối nước khi mà các tích trò của rối nước thiên về múa để thỏa mãn nhu cầu “nghe” và “nhìn” của khán giả.

  
Vẫn còn “sạn”

Bên cạnh những thành công, thì cũng có thể “nhặt” được “sạn” từ liên hoan lần này. Đó là các trò của hầu hết  các phường tương đối giống nhau dẫn đến sự nhàm chán. Việc tìm ra thế mạnh và màu sắc riêng của từng phường rối là điều rất quan trọng để khán giả nhớ tới và tạo nên sự phong phú cho nghệ thuật rối dân gian Việt Nam. Hơn nữa, việc thuyết minh, tường thuật như bóng đá khi đang diễn cũng là điều tối kỵ.

Đối với nghệ thuật rối, nên để con rối nói, âm nhạc nói, họa chăng thuyết minh chỉ nên dừng lại ở những tiếng đế. Và không nói thì ai cũng biết, rối nước hay và hấp dẫn là ở sự bất ngờ và tài tình. Vì vậy, việc để lộ sào, lộ dây, lộ tay điều khiển làm giảm đi tính hấp dẫn của một chương trình biểu diễn rối nước. Nhiều phường để sào, để rối và dây điều khiển trắng cũng như tay diễn viên để trần, mặc áo diễn màu sáng, trong buồng trò để đèn làm lộ tất cả việc “bếp núc” của nghề.