“Mùa phong lưu” bên những cánh rừng trắng màu hoa trẩu

ANTĐ -Người vùng cao vẫn nói với nhau rằng: “Đến chơi chợ tình mà không có bạn tình, không gặp bạn tình thì buồn lắm”. Họ có buồn hay không thì không rõ, nhưng tôi đi chợ tình thì vui, vui mà nhớ mãi những phiên chợ tình như thế.
“Mùa phong lưu” bên những cánh rừng trắng màu hoa trẩu ảnh 1

Tháng 4 mùa hoa trẩu, “mùa phong lưu” là cách mà người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để gọi khoảng thời gian chừng nửa tháng, tính từ đêm thứ sáu, rạng sáng ngày thứ bảy của tuần thứ hai cho đến hết ngày 30 trong tháng ba âm lịch. Đây chính là khoảng thời gian diễn ra những phiên chợ tình độc đáo.

Chợ phiên Du Già, diễn ra vào đêm thứ sáu và cả ngày thứ bảy, tuần thứ hai trong tháng ba âm lịch, đây cũng là chợ tình đầu tiên của “mùa phong lưu” nơi cao nguyên đá. Tiếp sau đó là chợ tình Sơn Vỹ - Lũng Làn, chợ tình Khau Vai ngày 27-3 là chợ tình cuối cùng của Hà Giang.

 Bắt đầu sớm nhất và cũng là chợ tình độc đáo nhất bởi ở phiên chợ này, không phải ai xuống chợ cũng để gặp “một nửa”, cũng không đơn thuần là để mua bán, để giao lưu. Chợ tình Du Già còn một điểm đặc biệt khác, ấy là nơi để những người anh em lâu ngày không gặp mặt, không cần hẹn trước mà tìm về gặp gỡ nhau.

“Mùa phong lưu” bên những cánh rừng trắng màu hoa trẩu ảnh 2

Bên chợ tình

Tôi đến chợ tình Du Già, một đêm chợ chìm trong cái se se lạnh cuối mùa. Góc chợ, nồi thắng cố nghi ngút khói đưa câu chuyện chợ tình của người đàn ông đã luống tuổi vào một không gian huyền ảo. Câu chuyện chợ tình khác kể bên men rượu mang đậm màu sắc lứa đôi. Chuyện rằng xưa có người con trai Tày yêu người con gái Mông đen. Vì dân tộc khác nhau, không cùng phong tục mà bị hai bên gia đình ngăn cấm, không lấy được nhau. Hai người quyết định cùng nhau bỏ nhà đi xa để được sống với nhau.

Ngày ấy, thung lũng Du Già không có đường sá như bây giờ, chỉ có một con đường duy nhất đi qua hang núi để ra ngoài. Thế nhưng con đường ấy lại vô cùng trắc trở, nguy hiểm vì có nhiều ngã rẽ, nhiều hố sâu, đã nhiều người đi lạc mà chết ở trong hang ấy. Hai người chạy vào hang tìm đường trốn đi nơi khác, nhưng cuối cùng, vì không biết đường nên bị lạc trong hang, họ ôm nhau cùng chết. Nhiều năm sau, người dân tìm thấy hai người đã hóa đá trong hang, trên tảng đá vẫn còn hình những bàn tay nắm chặt vào nhau không rời. Từ đó, họ gọi hang ấy là Hang Tình và lấy ngày chợ phiên giữa tháng 3 để kỷ niệm. Chợ tình Du Già cũng có từ ngày đó.

Những câu chuyện về nguồn gốc chợ tình ở Du Già còn mờ ảo, không biết đâu mới là chuyện thật. Chỉ biết rằng, mỗi năm một lần phiên chợ tình Du Già lại họp. Đứng dưới chợ mà nhìn lên ngọn núi phía đối diện vẫn thấy lấp ló cửa Hang Tình trên núi. Trước ngày chợ 1 ngày, chỉ có ông thầy mo người Tày ở bản Du Già được lên Hang Tình làm lễ cúng xin mở hội chợ tình. Chợ tình Du Già nay, ngoài đêm chợ tình dành cho những cặp đôi không lấy được nhau đi tìm “một nửa” của mình.

Phần chợ phiên ngày thứ bảy là dịp để những người anh em xa cách tìm về thăm hỏi nhau, đãi nhau những món ăn ngon và thăm hỏi chuyện gia đình. Bởi vậy nên chợ tình thường kéo dài từ đêm hôm trước đến hết ngày hôm sau và thường có thêm lễ hội. Người dân cùng tổ chức nhiều hội thi như bắn nỏ, chọi dê, đánh cầu, đánh yến… chứ chợ không tan vào buổi sáng như ở Khau Vai hay Sơn Vỹ.

Trong chuyến đi tìm tiếng khèn gọi bạn “Mùa phong lưu”, trên cao nguyên bạc trắng một màu hoa trẩu, tôi đã có những xúc cảm không bao giờ quên về một chợ tình Du Già thắm đượm những huyền thoại xa xôi mờ ảo, mê mải tiếng khèn níu bước chân tình.