Mua nhà sẽ không phải qua sàn giao dịch

ANTĐ - Ngày 10-3, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Kiến nghị không bắt buộc bán nhà qua sàn giao dịch để hạn chế tăng giá ảo
(Trong ảnh: Khách hàng đi xem nhà mẫu ở khu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội)

Theo tờ trình dự án Luật nhà ở (sửa đổi), sẽ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi Chính phủ) khi được phép vào Việt Nam làm việc, hoạt động, sẽ được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, kể cả nhà ở trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Thẩm tra của Thường trực UB Pháp luật tán thành định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, UB đề nghị, cần nghiên cứu quy định, điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng, an ninh, nhất là tại địa bàn, khu vực trọng yếu. Chẳng hạn như quy định không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư... tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống. Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa lưu ý, dự thảo quy định quá đơn giản trong khi điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam hiện nay khá dễ dàng. 

Đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở không nhận được sự đồng tình của nhiều Ủy viên UBTVQH. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB Kinh tế nói: “Đưa vào luật nhiều quỹ quá thì nguồn lực ở đâu để thực hiện? Đưa ra phải xem xét tính khả thi. Tôi cho rằng, cần tập trung vào mảng cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân tạo lập nhà ở thay vì mở quỹ”. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cùng quan điểm: “Tôi thấy liệt kê nhiều loại quỹ quá. Như thế, sẽ thêm tầng nấc trung gian, khó quản lý và làm phân tán nguồn lực tài chính quốc gia. Sắp tới, khi sửa Luật ngân sách, chúng tôi sẽ kiến nghị quy định hạn chế việc thành lập các loại quỹ có liên quan tới ngân sách Nhà nước.”

Quan tâm tới phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn đối tượng được mua nhà. Ông Phùng Quốc Hiển nói: “Quy định như dự thảo quá rộng. Cứ vậy thì có tới 50% dân số Việt Nam thuộc diện được hỗ trợ”. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách cũng cho rằng, ưu đãi cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội là cần thiết, song cũng phải quy định chặt chẽ, tránh việc các chủ đầu tư lợi dụng, làm méo mó chính sách.

Trình bày một số điểm mới trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (BĐS) khi bán, cho thuê BĐS phải thông qua sàn giao dịch. Dự luật chỉ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giao dịch thông qua sàn. Dự thảo cũng cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn không yên tâm với quy định cho phép kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai. Ông Huỳnh Ngọc Sơn cảnh báo: “Thực tế, có rất nhiều khu nhà, chung cư dang dở hoặc đã làm xong mà không có người sống. Kiểu huy động vốn, làm nhà rồi bỏ không như vậy rất phản cảm, gây lãng phí lớn tài sản của người dân.”. Ông Phùng Quốc Hiển cũng lo ngại việc mở hơn nữa quy định này sẽ làm hoạt động kinh doanh BĐS gia tăng tình trạng ảo. Nhiều nhà đầu tư có thể lợi dụng để chiếm dụng vốn của người dân, người góp vốn với mục đích khác. 

Dù vậy, ông Phùng Quốc Hiển đồng tình gỡ bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp mua bán BĐS thông qua các sàn giao dịch. “Quy định hiện hành được áp dụng hơi cứng nhắc, làm thị trường mất linh hoạt, tạo ra trung gian, đẩy giá nhà tăng lên bất hợp lý, thậm chí nhiều sàn bắt tay nhau tạo nên giá ảo” – ông Phùng Quốc Hiển nói.