Mưa lớn dồn dập kéo dài, miền Trung đối diện nguy cơ tái hiện lũ lịch sử năm 2017

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo dự báo hiện nay, nguy cơ rất cao các tỉnh Trung bộ sẽ lặp lại trận lụt lịch sử năm 2017, gây ngập lụt từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông kết hợp với gió mùa Đông Bắc nên ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã có mưa to đến rất to.

Diễn biến mưa rất phức tạp

Từ nay đến ngày 11/10 ở các tỉnh Trung bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt;

Các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh Trung bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Nguyên nhân là do dải hội tụ nhiệt đới vẫn đi qua khu vực Trung bộ, trên dải hội tụ nhiệt đới này sẽ có thể xuất hiện một xoáy thuận nhiệt đới khác trong khoảng ngày 12 và 13/10, sau đó di chuyển hướng về miền Trung, cộng thêm gió Đông Bắc vẫn còn hoạt động mạnh, nên mưa to đến rất to chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn ở các tỉnh Trung Trung bộ cho tới ngày 15/10.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại nguy cơ tái hiện lũ lịch sử năm 2017 tại Trung bộ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại nguy cơ tái hiện lũ lịch sử năm 2017 tại Trung bộ

Mưa với cường độ và tổng lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng trên các lưu vực sông và các khu đô thị lớn.

Mưa lũ, ngập lụt có khả năng ảnh đến các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ, các khu vực xung yếu có thể bị sự cố. Các địa phương cần sớm rà soát các phương án ứng phó mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cụ thể, lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng lên mức BĐ2 và trên mức BĐ2; hạ lưu sông cả và sông La dưới mức BĐ1.

Lũ trên các sông Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2 và trên BĐ 2, một số sông suối nhỏ lên mức BĐ 3. Thượng lưu các sông từ Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam có khả năng lên mức BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Lũ trên các sông từ Bình Định đến Bình Thuận có khả năng lên mức BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Lũ trên các sông ở Nam Tây Nguyên ở mức BĐ1, các sông, suối nhỏ có khả năng lên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ở các tỉnh, thành phố Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Tái hiện lũ lịch sử ở Trung bộ

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), khu vực Trung bộ hiện có nhiều hồ hư hỏng hoặc đang thi công phải đặc biệt chú ý đảm an toàn khi có mưa lớn dài ngày.

Cụ thể, ở Bắc Trung bộ có 55 hồ hư hỏng, 41 hồ đang thi công. Khu vực nam Trung bộ có 24 hồ hư hỏng và 31 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 41 hồ hư hỏng, 43 hồ đang thi công.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nếu theo dự báo hiện nay, nguy cơ rất cao các tỉnh Trung bộ lặp lại trận lụt lịch sử năm 2017, gây ngập lụt từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các hồ ở Trung bộ phải được đặt ở báo động mức cao nhất. Đối với các hồ Tả Trạch, Ngàn Trươi, Cửa Đạt do Bộ NN&PTNT trực tiếp quản lý đặt ở mức báo động đặc biệt để ưu tiên điều tiết lũ.

Đặc biệt, Trung bộ là nơi tập tập trung hơn 2.000 trang trại nuôi gia súc, gia cầm lớn với hơn sáu triệu con lợn do mưa lớn kéo dài tại khu vực trên nên cần có kế hoạch di chuyển trang trại và lợn về nơi an toàn.