Mua lại vé máy bay giá rẻ: Lắm rủi ro

ANTĐ - Hiện một số người có kinh nghiệm “săn” vé máy bay giá siêu rẻ bằng cách đăng ký những cái tên phổ thông để mua vé rồi tìm cách chuyển nhượng hoặc bán với mức giá cao hơn gấp nhiều lần. Mặc dù việc mua lại những tấm vé này có thể giúp hành khách tiết kiệm chi phí, song nếu bị phát hiện, họ có thể bị dừng chuyến bay và chịu nhiều rắc rối.

Để có những chuyến bay suôn sẻ, khách hàng nên mua vé trực tiếp tại phòng vé
của các hãng hàng không

Thức trắng đêm “săn” mua vé rẻ

Một số hãng hàng không thường xuyên có các đợt khuyến mãi với mức giá vé siêu rẻ 1.000 đồng/vé, 10.000 đồng/vé, 99.000 đồng/vé, thậm chí là 0 đồng/vé. Tuy nhiên, việc “săn” được những chiếc vé giá rẻ này không hề đơn giản, bởi trong thời điểm vé giá siêu rẻ được tung ra, số lượng người truy cập đông khiến website của những hãng này luôn bị “treo”. Chưa kể, thời điểm các hãng đưa ra hình thức bán vé giá rẻ thường là qua 0 giờ nên việc thức đêm nhiều ngày liền để có được những chiếc vé giá hời khiến không ít người bỏ cuộc vì tốn thời gian và công sức. Chị Nguyễn Thu Hường- nhân viên kế toán của một công ty truyền thông cho hay, việc “săn” vé máy bay giá rẻ phụ thuộc vào may rủi, ai có đủ kiên trì, mẹo vặt và may mắn thì mới có cơ hội mua được. “Để có được 4 chiếc vé máy bay chuyến Hà Nội - Đà Nẵng với mức giá 15.000 đồng/vé cho cả gia đình vào chuyến nghỉ hè năm ngoái tôi đã phải dán mắt vào màn hình máy tính từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Mặc dù tiết kiệm được chi phí đi lại nhưng cơ hội mua được những chiếc vé này rất mất thời gian mà chẳng biết có mua được hay không”- chị Hường chia sẻ. 

Tuy vậy, hiện trên nhiều trang du lịch, trang rao vặt, mua bán có khá nhiều tin nhắn về việc nhượng lại hay còn gọi là hình thức bán lại vé máy bay giá “siêu rẻ” cho người có cùng họ, tên. Do hiện các hãng hàng không chỉ kiểm tra tên không dấu khi đăng ký mua vé máy bay nên những người chuyên “săn” vé máy bay giá rẻ đã đăng ký những cái tên hành khách khá phổ thông để dễ dàng trong việc chuyển nhượng khi tìm hành khách trùng tên. Người bán thường cho biết đầy đủ chặng bay, giờ bay cụ thể và tên ghi trên vé. Vì vé siêu rẻ không được phép chuyển nhượng lại cho người khác nên người bán buộc phải tìm kiếm người cùng tên có nhu cầu bay để bán vé. Nếu người mua và người bán trùng tên (họ, tên và chữ đệm), chiếc vé sẽ được đổi chủ một cách dễ dàng.  

Anh Nguyễn Tuấn Anh, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên kể lại, cách đây 2 tháng, khi vào trang mạng xã hội      Facebook anh đã vô tình đọc được thông tin một người cần nhượng lại một vé máy bay giá rẻ tuyến Hà Nội - TP.HCM, trong đó tên, họ hành khách đã đăng ký mua vé giống hệt tên của anh. Mặc dù không biết lúc trước người bán mua chiếc vé máy bay đó với giá trị thực là bao nhiêu nhưng khi nhượng lại, anh phải trả mức giá đắt hơn giá vé của hãng hàng không niêm yết tại thời điểm đó là 200.000 đồng. Anh Tuấn Anh phân trần: “Khi thấy tên, họ của người muốn chuyển nhượng trùng tên họ và chữ đệm với mình, tôi liền gọi điện thoại để liên hệ ngay lập tức. Do tin tưởng vào người bán nên tôi cũng không kiểm tra lại giá vé máy bay của hãng niêm yết tại thời điểm đó. Ai ngờ bị ăn phải quả đắng”.

Vận may có thể hóa... rủi

Theo quy định của các hãng hàng không, việc dùng vé mang tên của người khác để di chuyển là không hợp pháp. Nếu có bất cứ sự cố nào đó xảy ra trên chuyến bay, nhân viên hãng sẽ yêu cầu khách cung cấp các thông tin của hành khách đã đặt vé máy bay như mail, số điện thoại, thời gian đặt vé, địa chỉ IP máy tính truy cập... Trong trường hợp các hãng phát hiện ra hành khách  không phải chủ nhân trực tiếp của tấm vé đó thì hãng có quyền từ chối vận chuyển họ ngay tại sân bay. Và dù may mắn có cùng họ tên với người sở hữu những chiếc vé giá rẻ trước đó, nhưng khi xảy ra sự cố thì chỉ có người mua là chịu thiệt.

Khi triển khai vé giá rẻ, các hãng đưa ra nhiều mức giá khác nhau. Tương ứng với nó là những điều kiện kèm theo. Có loại vé, nếu thay đổi lịch trình, hành khách được quyền đổi trước giờ bay 2 tiếng, nhưng có loại vé phải đổi trước 24 tiếng, cũng có loại vé không được hoàn trả hay thay đổi gì… Với loại vé khuyến mãi siêu rẻ như cho không thì đương nhiên việc đổi ngày, giờ bay và hoàn trả là điều không thể. Ngoài không thể thay đổi được lịch trình bay, người mua còn phải chịu vô số sự bất tiện từ hình thức chuyển nhượng này. Anh Trần Văn Minh, kỹ sư máy tính, cho biết: “Tháng 7 vừa rồi, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch đi nghỉ ở TP Hồ Chí Minh. Lùng sục khắp các trang mạng, cuối cùng tôi tìm được một người bán lại chiếc vé máy bay giá rẻ trùng tên với mình. Do đã xin cơ quan nghỉ phép trước đó, mọi kế hoạch cũng đã chuẩn bị nên chiếc vé máy bay của vợ tôi đành phải mua theo giá của hãng, đắt gấp đôi so với giá vé nếu vợ chồng tôi mua ngay từ thời điểm lên kế hoạch”. Anh Minh cũng đưa ra kinh nghiệm, thay vì tìm vận may từ những chiếc vé giá rẻ kiểu như vậy, khách hàng nên lên kế hoạch sớm và đặt mua trước thời điểm bay khoảng vài tháng, như vậy vừa tiết kiệm, vừa không phải chịu rủi ro nếu có sự cố xảy ra.

Theo bà Vũ Cẩm Nhung- Giám đốc một phòng vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, hành khách cần cân nhắc để có quyết định đúng đắn bởi nếu có sự cố xảy ra, họ sẽ bị hãng buộc ngừng chuyến bay. Lúc đó, kế hoạch du lịch, tham quan có thể bị hoãn lại và thiệt hại còn nhiều hơn chi phí để mua một chiếc vé “chính chủ”. 

Tin cùng chuyên mục