Mua hàng theo nhóm: Khách hàng nắm đằng lưỡi

ANTĐ - Với thủ tục đơn giản, lại được giảm giá, anh Vũ Mạnh Hà, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ có thói quen sử dụng dịch vụ mua hàng theo nhóm từ hai năm nay. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm trên các trang mua hàng theo nhóm về những điều khoản bảo vệ quyền lợi người mua hàng, anh Hà không thấy bất cứ thông tin nào về vấn đề này.

Khó mà biết chất lượng của các loại hàng hóa, dịch vụ được các công ty quảng cáo trên mạng

(ảnh minh họa)

Mua hàng bằng niềm tin

Anh Hà thắc mắc: “Những gì khách hàng sở hữu chỉ là một tờ voucher ghi địa chỉ công ty cung cấp dịch vụ mua hàng, công ty đối tác, không có một dòng thông tin nào về việc họ sẽ phải tìm đến đâu nếu chẳng may công ty cung cấp dịch vụ mua hàng phá sản. Nếu có chuyện gì xảy ra, ai sẽ đứng ra đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng?...”.

Hiện hình thức “Mua hàng theo nhóm” được biết tới trên thế giới với tên gọi Groupon (Group + Coupon, tức là nhóm và thẻ giảm giá). Cho đến thời điểm này, mô hình Groupon đang bùng nổ tại Việt Nam với hàng chục công ty lớn nhỏ. Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay email, các trang web bán hàng giá rẻ sẽ thông báo đến khách hàng các sản phẩm được bán với giá hấp dẫn, thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường. Người muốn mua sản phẩm chỉ cần đáp ứng một điều kiện duy nhất, đó là huy động được nhiều người cùng mua để bảo đảm số lượng khách hàng tối thiểu. Với cách làm này, người mua sẽ có được sản phẩm giá rẻ còn doanh nghiệp đỡ được phí thuê nhân viên bán hàng.

Bên cạnh những công ty nỗ lực tìm mọi cách lấy lòng tin của khách hàng, thì vẫn còn không ít trang mua hàng theo nhóm bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái hoặc đưa ảnh lên web giống với hàng thật gây nhầm lẫn cho khách hàng. Thậm chí, nhiều trường hợp khách hàng còn bị đơn vị cung cấp dịch vụ từ chối voucher khiến số tiền họ bỏ ra bỗng nhiên mất trắng. Mới đây, một trang web mua sắm theo nhóm đã bị Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra lập biên bản, xử phạt do kinh doanh hàng giả.

 Ông Nguyễn Tiến Mạnh, chủ một cửa hàng kinh doanh máy tính ở quận Hoàn Kiếm nhận xét, mua hàng theo nhóm dần trở nên khá phổ biến tại Việt Nam và ngày càng được nhiều người lựa chọn. Hiện nhiều người có thói quen lướt qua các trang “Groupon” để tham khảo trước khi quyết định lựa chọn mua một sản phẩm, dịch vụ như một thú vui hay một cách tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hình thức mua hàng theo nhóm không dành cho mọi loại sản phẩm, khó tìm thấy điện thoại hay laptop được bán theo hình thức này.

Không thể phủ nhận sự phát triển của mô hình Groupon tại Việt Nam, song có lẽ do phát triển quá “nhanh” nên việc kiểm soát thông tin chưa được đảm bảo, nhiều website đã “nhắm mắt làm ngơ” trước những thông tin “ảo”. Nếu không cẩn thận tham khảo giá tại những website khác, người tiêu dùng rất dễ bị lừa. “Khi mua hàng theo nhóm, đừng quá quan tâm đến việc website đó thông báo tiết kiệm bao nhiêu mà nên chịu khó so sánh giá đó với những website khác trước khi quyết định. Các số liệu tiết kiệm đôi khi không có ý nghĩa thực tế”, chị Vũ Thu Nga, một người có kinh nghiệm mua hàng cho biết.

Khi sở hữu voucher khách hàng sẽ được giảm giá, nhưng quyền lợi của họ liệu có được đảm bảo

Thật, giả lẫn lộn

Hiện có nhiều website tìm cách đẩy giá lên cao, rồi giảm giá tới 70-90% khiến nhiều khách hàng cả tin dễ mua phải sản phẩm đắt hơn giá thật ở ngoài thị trường. Trước đó, những vụ lùm xùm như đưa ra giá ảo lừa khách hàng, dùng thông tin của công ty khác cho sản phẩm của mình, không kiểm soát chặt chẽ dịch vụ đối tác cung cấp cho khách hàng… khiến nhiều người tiêu dùng e ngại. 

Thực tế, phiếu mua hàng có thể coi như một hợp đồng kinh tế 3 bên bao gồm công ty kinh doanh phiếu mua hàng, công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Luật  sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng phải đối diện với nhiều rủi ro, không biết giao dịch với bên cung cấp và bên tiếp nhận như thế nào. Khi công ty kinh doanh phiếu mua hàng không thể thực hiện được cam kết và đơn vị cung cấp dịch vụ từ chối cung cấp hàng hóa cho khách hàng, người tiêu dùng không biết bên nào sẽ đứng ra đảm bảo quyền lợi cho họ.

Cũng theo Luật sư Hải, cái khó của thương mại điện tử tại Việt Nam là thanh toán trực tuyến dựa trên niềm tin khi mua hàng. Hiện các giao dịch chủ yếu vẫn là giao thẻ tận nhà nên đã đẩy chi phí lên kênh trung gian. Nếu số lượng người mua không đủ lớn, các kênh trung gian muốn hoàn tiền cũng phải bằng cách giao trực tiếp. Tuy nhiên, chi phí hoàn tiền cao, tâm lý của khách hàng đối với một đơn hàng không thành công (dù được hoàn tiền) sẽ khiến các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, tâm lý mua hàng rẻ khiến người tiêu dùng thiếu tự tin. Chưa kể, thực trạng người phục vụ không niềm nở với khách khuyến mãi. 

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, thị trường dịch vụ mua theo nhóm hiện đang chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp tham gia. Cũng như mọi hình thức kinh doanh khác, thị trường này sẽ tạo nên cơ chế tự đào thải để loại bỏ những doanh nghiệp không thích ứng hay đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng. Tại Việt Nam hiện có rất nhiều trang web mua hàng theo nhóm đang hoạt động, với hơn 1 triệu người sử dụng, hình thức mua hàng theo nhóm trở thành một xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không có các quy định quản lý phù hợp để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia, thì hình thức tiêu dùng hiện đại này khó có thể phát triển bền vững.