Mùa Euro: Xếp hàng đi... cầm đồ

ANTĐ - Giải bóng đá các quốc gia châu Âu Euro 2012 đang đi vào thời điểm gay cấn và căng thẳng nhất thì cũng là “mùa” làm ăn kiếm chác của những cửa hiệu cầm đồ. Từ những đồ vật có giá trị nhỏ như điện thoại, laptop… cho đến xe máy, ôtô; nhà đất… đều được các “con nghiện” cá độ mang đi cầm đồ để “nướng” vào vận đỏ đen. Các con phố cầm đồ luôn chật cứng xe máy, thậm chí dân chơi bóng còn phải xếp hàng chờ đến lượt cầm đồ.

Tấp nập cầm đồ

Những ngày này, dân chơi bóng “viếng thăm” những cửa hàng cầm đồ nườm nượp. Mấy cửa hàng cầm đồ ngày thường ngồi dài cổ đợi thì bây giờ là thời điểm bận bịu và hiếm có cảnh “ngồi chơi xơi nước”. Thời điểm buổi sáng và chiều, lượng khách có phần vắng hơn, nhưng cũng không vì thế mà giảm đi “độ nóng” từ các cửa hiệu cầm đồ. Cao điểm có lẽ phải kể đến thời gian từ khoảng 5h chiều kéo dài đến khuya. Qua khảo sát của chúng tôi tại một số phố có nhiều cửa hàng cầm đồ cho thấy lượng khách ra vào tại những cửa hiệu trên phố Đặng Dung, Đường Láng vào khoảng 17-18h và 20-22h là đông nhất trong ngày.

Thời điểm đó, trên vỉa hè trên các phố có nhiều cửa hàng cầm đồ đó chật cứng xe máy. Đôi lúc cũng có những khách hàng tới giao dịch bằng ôtô, tuy không nhiều nhưng cũng  tấp nập hơn hẳn ngày thường. Vào giờ cao điểm tại những cửa hàng cầm đồ thì những khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt. Nhưng khi đến lượt, khách hàng cũng không quá hài lòng về giá cả, lúc đó họ cũng không thể làm khác được. Có mặt tại một cửa hàng trên Đường Láng, chúng tôi gặp Minh (hiện đang là sinh viên một trường đại học ở khu vực Cầu Giấy), trên tay cầm một chiếc laptop và một chiếc điện thoại bóng bẩy hiệu Iphone. Sau một hồi mặc cả giá, Minh đành cầm về số tiền 10 triệu đồng cho cả chiếc laptop và điện thoại iphone. Minh chia sẻ: Do đang vào thời điểm nhiều người cần tiền gấp để có thể “chịu chơi” những trận cầu đinh, nên giá đồ cầm vào cũng bị nhiều cửa hàng hạ giá. Kèm với đó là lãi suất cũng cao hơn nhiều so với ngày thường. 

Dãy phố cầm đồ tại Đường Láng luôn luôn sáng đèn bất kể vào thời gian nào. Tại đây có thể dễ dàng nhận biết những đồ như điện thoại, laptop thường ít được chủ hàng cầm, hoặc nếu có thì giá cũng rất thấp. Vào những ngày đông khách như thế này, thì những chủ cầm đồ cũng có dịp làm cao và bắt chẹt khách, đặc biệt là khách… sinh viên. Những hiệu cầm đồ này bây giờ thường chiều “khách quen”, có số có má, có “thâm niên” cầm đồ và thường thích cầm những món hàng có giá trị lớn như ôtô, xe máy có giá trị, hoặc cao hơn nữa là giấy tờ nhà đất. Khách hàng đến những cửa hiệu cầm đồ thời điểm này đa phần cũng những người “theo bóng”… chuyên nghiệp. Với vẻ phờ phạc, mất ngủ, miệng không ngừng kêu đen đủi, một dân chơi bóng tên  Long ở quận Cầu Giấy tay cầm chìa khóa và giấy tờ xe của chiếc xe mang nhãn hiệu Toyota Camry đến một cửa hàng cầm đồ. Nhưng do giá cả và lãi suất không như ý muốn, “tay bóng” này quyết định không cầm chiếc xe mà chuyển hướng sang những vật dụng có giá trị khác.

Đua nhau mở hàng cầm đồ

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những cửa hàng cầm đồ đã hoạt động từ lâu, thì những cửa hàng cầm đồ theo dạng thời vụ cũng đua nhau được mở ra. Chỉ cần dạo qua những con phố, ngõ ngách gần những trường đại học, khu dân cư… đều có thể thấy những cửa hiệu thời vụ này xuất hiện. Không biết những cửa hàng kiểu này có đăng ký kinh doanh hay không, nhưng chỉ cần thuê một “mặt tiền” nhỏ, thậm chí chỉ kê vừa cái bàn, trưng ra một biển hiệu: “cầm đồ” là cũng có thể “vặt” tiền của khách như chơi.  Do đây là thời điểm làm ăn chính, và dễ kiếm ăn nên nhiều người cũng theo nhau kinh doanh. Những người mở cửa hàng cầm đồ theo thời vụ đa phần là những người muốn “ăn theo”, hoặc coi đây là nghề tay trái. Nhưng cũng phải công bằng mà nói, tuy Euro chỉ diễn ra  trong vòng 1 tháng nhưng nhiều cửa hàng cầm đồ thời vụ cũng có thể thay xe ôtô, đầu tư thêm vào bất động sản, hoặc quay vòng vốn qua những hình thức tín dụng đen khác… 

Chưa kể đến việc cầm đồ thời vụ thi nhau quảng cáo dịch vụ trên mạng internet. Chỉ cần những câu quảng cáo như: “Cầm đồ phục vụ anh em mùa Euro” hay “Cầm đồ lãi suất thấp”… đều được chú ý trên các diễn đàn. Các “cửa hàng” cầm đồ được quảng cáo trên mạng thường sẽ cầm tất cả những đồ có giá trị. Ngoài điện thoại di động, laptop, xe máy, ôtô… thì những nhẫn, lắc vàng, đá quý, đồ độc… cũng được để ý. Những hàng cầm đồ online này không hề tốn tiền thuê mặt bằng, không tiền công nhân viên… nên có thể đưa ra những mức lãi suất thấp hơn nhiều so với các cửa hàng cầm đồ đơn thuần. Cửa hàng cầm đồ bình thường có thể đưa ra lãi suất từ 5-8%/ngày, nhưng với cửa hàng cầm đồ online thì lãi suất chỉ dao động trong khoảng từ 2-5%.

Theo một số chủ cửa hàng cầm đồ thời vụ online thì dịch vụ của họ cũng đưa khách hàng lên làm “thượng đế” đúng nghĩa. Không cần phải xếp hàng, hay mặc cả giá dài dòng, mang đồ của mình tới những cửa hiệu… khách hàng của cầm đồ online có thể ngồi ở nhà và chờ người của cửa hiệu cầm đồ đến đưa tiền và nhận đồ. Do lợi nhuận quá lớn, nên nhiều người đã tham gia loại hình kinh doanh này một cách thời vụ để tăng thêm thu nhập. 

Lợi nhuận lớn từ những cửa hàng cầm đồ

Qua khảo sát của chúng tôi tại những cửa hiệu cầm đồ tại Hà Nội, giá của những món đồ cũng có giá trần. Thường thì laptop chỉ có giá cầm trong khoảng từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Còn các dòng điện thoại cũng chỉ có giá trong khoảng 5 triệu đồng trở xuống. Với những “mặt hàng” như ôtô hay giấy tờ nhà đất thì giá cả cũng tùy từng nơi, nhưng cũng không phải cửa hàng nào cũng dám “ôm”. Do lượng khách đến cầm đồ đông hơn khi vào thời điểm “nóng”, giá lãi suất cũng được các chủ hiệu cầm đồ tăng. Lãi suất thường rơi vào 7-10 nghìn đồng/triệu/ngày. Những cửa hàng cầm đồ cũng “ưa thích” hơn với những món đồ có giá trị như xe máy SH, PS, LX, Liberty… Được biết những chiếc xe máy nhãn hiệu này sẽ dễ thanh lý hơn những món đồ như laptop, điện thoại. Mặc dù số vốn để kinh doanh cầm đồ là không hề nhỏ, nhưng các chủ hiệu cầm đồ vẫn tự tin về nguồn thu. Họ còn đang lo là không đủ tiền để tiếp tục đổ vào loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận này. 

Chủ một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng cho biết: Càng vào sâu Euro, lượng khách tới cầm đồ càng tăng. Có thể thấy lượng khách tăng từ 3-4 lần so với những ngày thường. Thời điểm Euro chưa diễn ra thì cả ngày cũng chỉ lác đác một vài khách. Tìm hiểu thêm được biết, thời gian cầm đồ cũng chỉ trong giới hạn từ 5-7 ngày, qua thời gian trên nếu như khách không đến gia hạn thì tài sản cầm cố sẽ thuộc về chủ cửa hàng.

Khách hàng quen thuộc của những cửa tiệm cầm đồ thời điểm này đa phần đều là những con thiêu thân lao vào vòng xoáy của cá cược bóng đá.

Chính họ đã “chơi”, rồi khi không đủ tiền, muốn gỡ gạc, họ lại phải xoay. Không đủ lực để “quay tiền”, họ lại phải nhờ đến những cửa hiệu cầm đồ, “cắn răng” mà mang “đi ở” những đồ vật có giá trị đã và đang gắn bó với chính bản thân. Quả thực cứ mỗi mùa bóng đá lại có không ít đồ vật được “cắm đầu” vào cửa hàng cầm đồ. Rồi lại có thêm hình ảnh những người làm cha mẹ phải cay đắng xoay tiền rồi đưa cho con cái mình để đến chuộc lại đồ đạc. Còn với những người không đủ sức để xoay do số tiền gốc và lãi đã quá lớn cũng đành ngậm ngùi để đồ ra đi về tay chủ khác. Đã biết có những hậu quả như vậy, nhưng vẫn còn rất nhiều người vì ham đổi đời nhanh, tưởng kiếm tiền dễ dàng nhờ vận may… Cũng có lắm kẻ hết mùa bóng này đến mùa bóng khác, tài sản trong nhà đều đội nón ra đi nhưng họ vẫn nhắm mắt lao vào cuộc chơi như những con thiêu thân cho dù biết chắc cái giá mà mình phải trả.