Mưa đá tiếp tục đổ xuống Lào Cai: Hiện tượng chưa từng có

ANTĐ - Do không khí lạnh tiếp tục tăng cường nên sáng sớm 29-3, trên địa bàn tỉnh Lào Cai lại xảy ra thêm một trận mưa đá dữ dội, kéo dài gây lo sợ cho nhiều người dân. Những đợt mưa đá “khủng” diễn ra liên tiếp được nhận định là bất thường, chưa từng gặp. 

Mưa đá khủng khiếp xảy ra tại Lào Cai vừa qua là hiện tượng rất bất thường

Trận mưa đá diễn ra trên địa bàn 4 xã của huyện Bảo Yên, nằm giáp với tỉnh Yên Bái, gồm: thị trấn Phố Ràng, xã Lương Sơn, Xuân Thượng, Long Phúc. Bị nặng nhất là thị trấn Phố Ràng và xã Lương Sơn. Theo ông Đinh Quang Hạnh, Trưởng trạm Thủy văn Bảo Yên (Lào Cai), trận mưa đá đã kéo dài liên tục tới 20 phút, từ khoảng 1h40 đến 2h sáng mới ngớt. Đây là trận mưa đá tương tự như trận xảy ra vào đêm 26-3 vừa qua, với những hạt đá to bằng quả trứng gà, trứng vịt, nhiều hạt lớn bằng nắm tay người lớn. Mưa đá đi kèm với mưa rào và lốc xoáy mạnh, tốc độ gió đạt tới cấp 7-8, giật cấp 9 nên lại gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Không riêng Lào Cai, cùng thời điểm, mưa đá cũng đã xảy ra trên địa bàn huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ-Thái Nguyên .

Trước đó, trận mưa đá vào rạng sáng 27-3, kéo dài khoảng 20 phút, tàn phá nhà cửa, công trình và hoa màu của người dân các huyện Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai gây thiệt hại đến 70 tỷ đồng. Trận mưa đá này được xác định là trận mưa đá khủng khiếp nhất từ trước đến nay tại nước ta. “Đường kính các hạt mưa đá phổ biến từ 4-6 cm, nhiều hạt lên tới trên 10 cm, to bằng nắm đấm, chiếc tách uống nước thì đúng là chúng tôi chưa từng ghi nhận được. Đây là số liệu “khủng” nhất, trong chuỗi số liệu thống kê của ngành khí tượng chưa có” - ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định. 

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến các trận mưa đá “khủng”, ông Hải cho hay, do 4-5 ngày trước, Lào Cai chìm trong nắng nóng tương đối gay gắt, cộng thêm gió khô Ô Quý Hồ thổi mạnh khiến mặt đất bị hun nóng và khô khốc. Gió mùa đông bắc tràn xuống, sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính với nhau tạo nên những hạt đá to hơn. Hàng nghìn ngôi nhà của người dân đã bị đục thủng mái là do sự kết hợp giữa sức công phá của những hạt đá to rơi từ trên cao xuống và gió giật mạnh. 

“Theo tôi thì mưa đá xảy ra ở Lào Cai và trước đó là ở Kon Tum, Quảng Nam và một số địa phương khác là hiện tượng thời tiết cực đoan, mức độ nguy hiểm chỉ đứng sau bão và mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, các hiện tượng này đang xảy ra theo đúng quy luật” - ông Hải nhận định.  Hiện đang là thời điểm giao mùa giữa mùa lạnh và mùa nóng nên cũng là “mùa” của mưa đá và giông lốc. Mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhưng ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì khốc liệt hơn, nhất là khi không khí lạnh tràn xuống. 

Những trận mưa đá gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, song theo ông Hải, chúng ta vẫn chưa dự báo được mưa đá xảy ra. Các nước tiên tiến trên thế giới cũng không phải là ngoại lệ. “Chúng tôi chỉ có thể cảnh báo mưa đá kèm theo giông lốc ở một khu vực tương đối rộng lớn dựa trên những dữ liệu quan trắc được và hệ thống thời tiết nguy hiểm”, ông Hải nói.

Người dân có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài những đặc điểm như: ban ngày mà có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm trời giông, sét, gió đang thổi đều đều bỗng lặng đi, trời đột ngột lạnh hơn. Nếu thấy có cảnh báo mưa đá và những dấu hiệu nhận biết như trên, đặc biệt là vào ban đêm, người dân đang ở những ngôi nhà lợp tấm pro-xi măng thì nên nhanh chóng di chuyển sang những ngôi nhà kiên cố, chẳng hạn như nhà mái bằng, nhà tầng gần nhất để trú tránh. “Mùa” mưa đá có thể kết thúc khi mùa mưa bắt đầu, tức khoảng giữa tháng 5 tới.