Mưa cấp tập, khó tránh ngập cục bộ

ANTĐ - Gọi điện tới đường dây nóng của Báo An ninh Thủ đô, nhiều bạn đọc thắc mắc, vì sao dự án thoát nước Hà Nội đã triển khai nhiều năm nay, tốn kém rất nhiều công sức, tiền của, thời gian nhưng cứ trời mưa to là một số khu vực trũng trong nội thành vẫn ngập. Sáng 30-8, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đại diện Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) để tìm hiểu về vấn đề này.
Mưa cấp tập,  khó tránh ngập cục bộ  ảnh 1

Phố Thái Hà vẫn ngập sau mỗi cơn mưa lớn

Mưa to vượt công suất thiết kế

Theo đại diện Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II có công suất thiết kế đủ ứng phó với lượng mưa 310mm trong 2 ngày. Như vậy, với trận mưa từ 90-100mm trong vòng 1 giờ diễn ra chiều tối 26-8, một số khu vực trũng ở nội thành không thể tránh được bị ngập cục bộ trong khoảng thời gian ngắn. “Trong 1 giờ, lượng mưa đạt tới gần 100mm. Nếu mưa liên tiếp 48 giờ, tức là lượng mưa lên tới 4.800mm, gấp hơn 15 lần công suất thiết kế của dự án.

Đó là chưa kể lượng nước mưa rất lớn trút xuống cũng cần thời gian nhất định để chảy vào hệ thống cống, ra các mương, rồi đổ ra các con sông tiêu thoát, về Trạm bơm Yên Sở trước khi được bơm cưỡng bức ra sông Hồng. Thế nên, ngay cả khi dự án hoàn thành, nếu trời mưa to kéo dài, một số khu vực trũng vẫn sẽ bị ngập cục bộ trong thời gian từ 30-60 phút trước khi nước kịp tiêu thoát hết” - vị đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội cho biết.

Nói về tiến độ cụ thể của dự án, đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội cho biết, một số gói thầu chính đã cơ bản hoàn thành. Toàn bộ các gói thầu còn lại đang triển khai sẽ phải hoàn thành trong năm 2015, để kịp bàn giao cho ngành thoát nước Hà Nội trước mùa mưa 2016. Đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội nói: “So với các năm trước, số điểm đen úng ngập trong các quận nội thành Hà Nội đã giảm nhiều. Thời gian bị ngập khi mưa lớn cũng được rút ngắn. Đó chính là nhờ dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II đã phát huy hiệu quả”.

Mưa cấp tập,  khó tránh ngập cục bộ  ảnh 2

 Dự án thoát nước chỉ được thi công vào ban đêm

Gỡ nút thắt GPMB

Có 2 nguyên nhân chính khiến tiến độ dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II bị chậm hơn so với kế hoạch. Đó là điều kiện thi công chật hẹp, phần lớn diễn ra ở các khu vực đông dân cư hoặc tuyến đường, phố có lưu lượng giao thông lớn và vướng mắc trong công tác GPMB. “Trong nội thành, dự án phần lớn phải thi công vào ban đêm, sau 23h mới bắt đầu và phải kết thúc trước 4h sáng hôm sau để tránh ùn tắc.

Do hệ thống cống phải cải tạo nằm sâu trong các khu dân cư nên đường ra vào là độc đạo, rất khó huy động các loại máy móc, thiết bị. Ấy là chưa kể, hễ trời mưa là phải dừng thi công từ 5-7 ngày nên tiến độ bị ảnh hưởng đáng kể”, đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội phân bua.

Về công tác GPMB, nhiều quận, huyện đã vất vả loay hoay với dự án này trong nhiều năm. Mới đây, để tháo gỡ vướng mắc, dứt điểm công tác GPMB cho dự án này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu UBND các quận, huyện hoàn thành thủ tục, tiến hành cưỡng chế thu hồi mặt bằng theo quy định đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối, sau khi đã giải quyết đầy đủ chính sách, tuyên truyền vận động.

UBND TP cũng đặt ra mốc thời gian cụ thể, trước ngày 30-8, phải hoàn thành GPMB dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II. Đối với từng vấn đề cụ thể, liên ngành thành phố và UBND các quận đã có hướng giải quyết dứt điểm, nhất là việc xác định rõ nguồn gốc đất và cho phép một số hộ khó khăn trả chậm tiền mua nhà tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống. 

Ghi nhận thực tế tới thời điểm này, đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội cho biết, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và quận, huyện liên quan, vướng mắc GPMB trong phạm vi dự án đã cơ bản được tháo gỡ. Đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội khẳng định: “Máy móc, thiết bị, nhân lực thi công, tài chính, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, nay, nếu có mặt bằng sạch thì chắc chắn việc thi công dự án sẽ kịp hoàn thành trong năm 2015. Và khi dự án được bàn giao đồng bộ, tình trạng ngập cục bộ khi mưa lớn ở nội thành sẽ tiếp tục giảm đáng kể so với hiện nay”.